Ký ức thời binh lửa

08:26 - Thứ Năm, 09/05/2019 Lượt xem: 11325 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi đến thăm Ðại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Phùng Văn Khầu vào một ngày cuối tháng tư. Dù ở tuổi 90 nhưng trông ông vẫn còn minh mẫn. Trong ngôi nhà số 4A, ngõ 24, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội), ông kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chiến trường Ðiện Biên Phủ và tấm huy hiệu cao quý của cuộc đời, cách đây 65 năm. Qua lời kể của ông, từng chi tiết diễn biến trận đánh, từng gương mặt những pháo thủ trẻ tuổi đã anh dũng ngã xuống trên đồi E1 cứ dần hiện hữu như thước phim tài liệu được mang về từ chiến trường.

Tháng 3/1954, Ðại đội 755 của ông Phùng Văn Khầu (đóng quân tại Phú Thọ) được lệnh hành quân lên Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đánh chặn và tiêu diệt các lô cốt, khẩu pháo của địch trên đường hành tiến của quân ta. “Ðại đội 755 của tôi có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội có 9 người), được cấp 3 khẩu pháo 75mm, mỗi khẩu nặng gần 500kg, tầm bắn xa nhất là 6km. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, đơn vị phải tháo rời từng linh kiện, sau đó chia cho 27 người khuân. Do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của tôi phải vào trận địa trước, tôi cùng 8 đồng đội đã vác nặng gấp 3 lần bình thường. Sau 6 ngày hành quân đường rừng, chúng tôi đã tiếp cận được đồi E1 và bắt đầu chuẩn bị công sự chiến đấu...” - Ðại tá Phùng Văn Khầu bắt đầu câu chuyện.

 

Ông Phùng Văn Khầu tường thuật lại những trận đánh trên đồi E1 với phóng viên. Ảnh: Mai Khôi

“Chiều 30/3/1954, khẩu đội của tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt 4 lô cốt địch, chi viện cho bộ binh mở cửa vào đánh chiếm đồi E1. Cấp trên cho phép bắn 30 viên, nếu còn thừa đạn mà vẫn tiêu diệt hết lô cốt của địch thì sẽ được khen thưởng. Nhận lệnh xong, tôi lo lắm! Bắn quả đầu tiên bị trượt, đạn rơi cách mục tiêu khoảng 10m. Tôi nhìn lại qua nòng pháo, đề nghị cho tăng cự ly và thay đổi điểm ngắm; bắn phát thứ 2, đạn chui thẳng vào lỗ châu mai, lô cốt địch nổ tung. Ðại đội trưởng reo lên “Khầu giỏi quá…!”. Như được tiếp thêm động lực, bắn liền 20 phát trúng mục tiêu bằng phương pháp ngắm bắn qua nòng pháo, đánh sập cả 4 lô cốt địch, giúp bộ binh tràn lên chiếm gọn đồi E1. Trận đó, chúng tôi tiết kiệm được 8 viên đạn” -  ông Khầu bồi hồi nhớ lại.

Kết thúc trận đánh công kiên đầu tiên trên đồi E1, ông Phùng Văn Khầu được Bộ chỉ huy mặt trận tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì và vinh dự được Bác gửi tặng Huy hiệu Bác Hồ. Có lẽ trong ký ức của người anh hùng ấy, đó là một ngày đẹp nhất cuộc đời binh nghiệp.

Ðại tá Phùng Văn Khầu kể tiếp: “Tại trận địa còn khét mùi thuốc súng, Chính trị viên Tiểu đoàn Lương Tý đã trực tiếp trao tặng phần thưởng và gắn lên ngực áo tấm Huy hiệu Bác Hồ cho chiến công xuất sắc. Tôi vô cùng xúc động, dặn lòng mình phải lập nhiều thành tích hơn để xứng đáng với tấm huy hiệu của Người.

Tiếp đến, ngày 23/4/1954, địch mở đợt phản công lớn, huy động cả xe tăng, pháo 105 nhằm chiếm lại đồi E1 và những điểm cao gần đó. Trong quá trình phản công, địch đánh sập hầm ngụy trang của 2 khẩu pháo dự phòng, 18 đồng chí hi sinh và bị thương. Cả đại đội, chỉ còn khẩu đội của tôi là chiến đấu được. Mặc cho địch bắn trả dữ dội, trong khi khẩu đội chỉ còn tôi và anh Lý Văn Pao nên phải dồn hết tâm trí vào nòng pháo lần lượt bắn hạ từng mục tiêu. Anh Pao bị thương nặng, chỉ còn mình tôi với khẩu pháo và tự thực hiện các thao tác: Quan sát, ngắm mục tiêu, nạp đạn, giật cò... Do bị sức ép của đạn pháo địch, tôi đã ngất đi sau khi diệt gọn cả 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu đại liên địch, tạo điều kiện cho quân ta tiến công thắng lợi...”.

“Sau ngày hôm đó, cả Ðại đội Sơn pháo 755 chiếm giữ đồi E1 - nói là cả đại đội nhưng thực ra chỉ còn 1 khẩu pháo và 4 người túc trực chiến đấu trên điểm cao này, gồm: tôi, đồng chí đại đội trưởng, chính ủy đại đội và 1 đồng chí liên lạc. Nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm, chúng tôi vẫn giữ nguyên khẩu pháo cùng công sự, tiếp tục bắn yểm trợ cho các cánh quân, chiếm giữ điểm cao E1 cho đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 7/5/1954. Trong suốt 35 ngày đêm trên đồi E1, với khẩu pháo 75mm (lúc đầu có đồng đội hỗ trợ, về sau chiến đấu 1 mình) Ðại tá - Anh hùng Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 khẩu pháo 105 ly, 6 đại liên, 4 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm lính địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng...”.

Sau chiến dịch, ông Phùng Văn Khầu được Ðại đoàn Công pháo 351 cử về Chiến khu Việt Bắc chúc mừng sinh nhật Bác Hồ và được Bác gắn Huy hiệu Chiến sĩ Ðiện Biên Phủ. Ðặc biệt, ngày 31/8/1955, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tên tuổi và những kỳ tích của người anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu được ghi đậm nét trong trang sử hào hùng tại Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Khẩu pháo 75mm mà Anh hùng Phùng Văn Khầu cùng đồng đội sử dụng đánh trên đồi E1 hiện đang được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, là minh chứng cho những chiến công của những người lính Ðiện Biên Phủ năm 1954 và lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top