Đề xuất không tuyển dụng mới “viên chức trọn đời”

08:39 - Thứ Hai, 27/05/2019 Lượt xem: 11819 In bài viết
Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, một trong những nội dung được Chính phủ đưa ra xin ý kiến trước Quốc hội kỳ này đó là đề nghị thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với tất cả viên chức tuyển dụng mới, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức trọn đời” trong đội ngũ viên chức.

 

Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội tại hội trường chiều 24-5.

Bảo đảm cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ

Cụ thể, theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, đối với việc thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức, Chính phủ đề xuất hai phương án như sau:

Phương án thứ nhất quy định tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần hai). Đáng chú ý, phương án này được thể hiện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này.

Theo phương án còn lại, Chính phủ đề xuất giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa hai lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin - cho khi đến hạn ký lại hợp đồng. Tuy nhiên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

 

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, qua thảo luận, đa số thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với phương án thứ nhất (được thể hiện trong Dự thảo Luật). Đa số ý kiến cho rằng phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, theo phương án này, sẽ tạo ra sự không thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, là không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá hai lần; dễ tạo tâm lý không yên tâm cho số viên chức được tuyển dụng mới. Theo đó, các ý kiến tán thành phương án này cũng đề nghị làm rõ quy định đối với số viên chức cũ đã tuyển dụng (ký hợp đồng) thì áp dụng như Bộ luật Lao động hiện hành, giữ nguyên hợp đồng dài hạn đã ký.

Cần quy định rõ về trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện ký hợp đồng lại đối với viên chức

Bên cạnh đó, một số ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật lại tán thành với phương án còn lại (không được thể hiện trong Dự thảo Luật), là giữ như quy định hiện hành. Các ý kiến này cho rằng phương án còn lại tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ viên chức, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu, đáp ứng một phần yêu cầu của nghị quyết Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Đồng thời đề nghị nếu theo phương án này, cần có quy định để đề cao vai trò của người lãnh đạo trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí công việc; và bảo đảm viên chức có thể chấm dứt hợp đồng khi các quyền, lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm.

Tại phiên thảo luận tổ cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Quốc hội Lê Văn Sỹ (Thanh Hoá) bày tỏ sự băn khoăn đối với nội dung điều chỉnh về việc sẽ không còn “viên chức vĩnh viễn” đối với những trường hợp tuyển dụng mới.

 

Các đại biểu Quốc hội (Hải Phòng, Thanh Hoá, Cà Mau) thảo luận tại tổ.

Việc sửa đổi Luật Viên chức hiện hành nhằm điều chỉnh, tạo động lực, tăng tính cạnh tranh cũng như sức mạnh của hệ thống và tăng năng suất lao động của đội ngũ viên chức, đại biểu Lê Văn Sỹ cho rằng về mục tiêu thì rất là “đúng và trúng”. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thực tế thì có một số điểm đáng quan ngại. Thí dụ như sẽ phát sinh việc sau mỗi khoảng thời gian quy định thì tất cả các viên chức lại phải “rục rịch” làm công tác xét lại, hoặc được tuyển lại. Điều này dễ dẫn đến việc cả “vòng đời” của viên chức sẽ bị “rà lên, rà xuống” không biết bao nhiêu lần để ký lại hợp đồng.

Bên cạnh đó, điều này dễ gây đến việc xáo trộn đội ngũ lao động tại các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra đối với việc thuyên chuyển, chuyển công tác của viên chức giữa các đơn vị sự nghiệp thì theo quy định mới viên chức có được công nhận kết quả công tác thời gian trước đó hay không, có được ký tiếp hợp đồng hay lại phải tuyển lại từ đầu?

Đại biểu Lê Văn Sỹ đề xuất cần phải xem xét, cân nhắc thật kỹ và phải làm thí điểm, vì nếu cứ lẩn quẩn với việc ký lại hợp đồng thì sẽ “không đủ sức mà làm”, đồng thời trong Dự thảo Luật cần phải quy định rõ về trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện ký hợp đồng lại đối với viên chức.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top