Trọn nghĩa tri ân

09:03 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 11887 In bài viết

ĐBP - Cuốn vào hoạt động tri ân, “Ðền ơn đáp nghĩa” của những ngày tháng 7, chúng tôi đến huyện Ðiện Biên để tìm hiểu về công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng... trên địa bàn. Bên cạnh những nội dung về hoạt động chung ở huyện, chia sẻ tâm huyết của đồng chí Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khiến chúng tôi không thể bỏ qua ý định về với xã Thanh Hưng - “Xã có cách làm đặc biệt nhất huyện trong công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng...”.

 

Ðồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh thăm, tặng quà gia đình bà Lò Thị Tặp, thân nhân Liệt sĩ Hà Văn Pậu, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: Sầm Phúc

Tháng bảy - "tháng tri ân", nên dù đi đến đâu câu chuyện về chủ đề này cũng được nhắc đến nhiều nhất. Trong căn phòng nhỏ, bà Hà Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên cho biết: Công tác chuẩn bị cho các hoạt động tri ân trong tháng 7 đã được triển khai từ tháng trước. Danh sách đối tượng được nhận quà của tỉnh, của huyện, xã đầy đủ; chương trình gặp mặt nhân ngày thương binh, liệt sĩ của xã đã hoàn thành; nhân viên bán chuyên trách về công tác lao động - thương binh và xã hội cũng đã đến từng đối tượng để mời dự lễ...

Xã Thanh Hưng hiện có 56 đối tượng chính sách là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người nhiễm chất độc hóa học, gia đình có công với cách mạng. Những năm qua, xã luôn đảm bảo các chế độ, chính sách cho mọi đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời. Song, điều làm nên "thương hiệu" trong thực hiện nhiệm vụ "Ðền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" ở Thanh Hưng, theo ông Nguyễn Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên là từ cách làm không chỉ chuẩn về chế độ mà còn chủ động, tích cực trong triển khai các nội dung hỗ trợ; linh hoạt trong vận động quyên góp và triển khai trao tặng hợp lý. Ðặc biệt nhất là, sự sâu sát cơ sở, gần gũi, quan tâm chia sẻ của nhân viên lao động xã hội với từng trường hợp, khiến họ cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với thương, bệnh binh, gia đình chính sách...

Với gần 60 đối tượng thuộc diện chăm sóc, cư trú ở nhiều thôn, bản và có những hoàn cảnh khác nhau; xã Thanh Hưng rất coi trọng việc vận động ủng hộ hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trước khi tổ chức quyên góp ủng hộ, xã xin ý kiến HÐND, thống nhất trong tập thể về cách làm. Ngoài vận động quyên góp hàng năm (10 nghìn đồng/hộ/năm), vào các dịp lễ, tết xã vận động 3 trường học, 4 hội, đoàn thể và các đơn vị doanh nghiệp, quân đội đứng chân trên địa bàn tham gia các chương trình tri ân. Nhiều chương trình đã mang lại hiệu quả, trở thành nét văn hóa tại địa bàn, như: Chương trình "Áo lụa tặng bà", "Thắp sáng niềm tin"... Bà Hà Bích Nhung chia sẻ: Nguồn quỹ huy động được xã bàn bạc và thống nhất chi tiêu sao cho hiệu quả, phù hợp với địa bàn. Ðối tượng chính sách và người có công thường sức khỏe không tốt, hay phải đi điều trị nhiều nên xã thống nhất dành một phần để thăm nom. Ví dụ như: Thương binh phải điều trị nội trú ở bệnh viện, xã đến thăm cùng 1 phần quà 300 nghìn đồng; phải phẫu thuật thì mức chi cao hơn (500 nghìn đồng); còn nếu phải đi điều trị ngoại tỉnh được hỗ trợ 1 cặp vé ô tô. Ngoài ra, khi đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được tỉnh, huyện mời đi tham quan, điều dưỡng, tọa đàm... xã luôn đảm bảo khâu tổ chức an toàn, chu đáo. Mỗi chuyến đi luôn có cán bộ đưa đón tại trụ sở xã; bố trí xe đưa đón tận nơi. Toàn bộ kinh phí cho việc này do xã vận động quyên góp. Ðây cũng là cách làm mới chỉ có ở Thanh Hưng và chúng tôi còn muốn làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

 

Bà Hà Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng và chị Nguyễn Thị Xuyến thăm và chi trả chế độ hàng tháng cho ông Ðàm Ngọc Quang, người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Ảnh: Mai Thủy

Chị Nguyễn Thị Xuyến, nhân viên bán chuyên trách công tác thương binh xã hội của xã là người cho chúng tôi nhiều ấn tượng trong suốt quá trình lấy tư liệu viết bài. Chị được Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Văn Bốn nhắc nhiều lần khi nói về sự tận tình, sâu sát trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công ở Thanh Hưng. Chúng tôi càng ấn tượng hơn khi chị trao đổi về công việc của mình và cùng chị đến thăm các thương, bệnh binh. Dù mới làm công tác này được gần 5 năm, song cách làm của chị đã góp phần không nhỏ để xã có được "thương hiệu" trong lòng gia đình chính sách, người có công với cách mạng và cả lãnh đạo huyện Ðiện Biên. Chị Xuyến nhớ rõ từng tên, biết rõ tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng chính sách. Hầu như tuần nào chị Xuyến cũng đến thăm một vài gia đình chính sách, nhất là những người hay ốm đau, dễ đổ bệnh khi trái gió, trở trời. Cũng vì thật sự gần gũi, quan tâm nên chị Xuyến nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện từng trường hợp (khó khăn ở đâu, thiếu thốn cái gì, cách trợ giúp, tri ân nào là phù hợp...) nên khi có bất kỳ chương trình tặng quà, hỗ trợ cơ sở vật chất hay làm nhà, sửa nhà... việc tham mưu thực hiện ở Thanh Hưng luôn hiệu quả, kịp thời. Với cách làm như trên, nhiều thương bệnh binh, gia đình chính sách rất hài lòng. Câu trả lời thuyết phục nhất cho nỗ lực của chị Xuyến đó là sự tín nhiệm của không chỉ đối tượng chính sách mà còn của cả lãnh đạo xã và huyện...

Ông Ðàm Ngọc Quang là đối tượng hưởng chế độ dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin. 1 trong 4 người con của ông cũng bị di chứng từ cha nên suốt mấy chục năm qua chỉ quanh quẩn ở nhà vì ốm đau, bệnh tật. Ông Quang cho biết: Ðược nhận chế độ trợ cấp đầy đủ, nên không còn lo thiếu thốn về kinh tế. Ðặc biệt là, các cấp chính quyền, đoàn thể xã luôn quan tâm chăm sóc. Những lúc ốm đau, ngoài hội, đoàn thể xã thăm nom, động viên; có khi vài ngày cô Xuyến lại ghé qua thăm hỏi…

Thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng; vừa qua, Thanh Hưng là xã đầu tiên của huyện Ðiện Biên được nghiệm thu nhà hỗ trợ cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và với số tiền hỗ trợ cao nhất huyện (ban đầu giao 560 triệu đồng, sau nghiệm thu là 580 triệu đồng vì một số công trình được bổ sung). Hiện xã còn một số nhà đã hoàn thành xây dựng, đang chờ huyện, tỉnh nghiệm thu.

Rời Thanh Hưng, lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Xuyến làm chúng tôi nhớ mãi: "Làm đúng chế độ chính sách là nhiệm vụ, song chúng tôi muốn làm tốt nhất có thể, để cuộc sống của gia đình chính sách, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng ngày một tốt hơn. Chúng tôi mong họ cảm nhận được sự chân thành tri ân, trọn nghĩa vẹn tình của các thế hệ đi sau với những hi sinh, mất mát của lớp cha anh đi trước để đổi lại hòa bình, tự do cho dân tộc...".
Mai Thủy
Bình luận
Back To Top