Ngày làm việc thứ bảy, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội

09:31 - Thứ Tư, 30/10/2019 Lượt xem: 10797 In bài viết

Ngày 29-10, sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra của Quốc hội và Chính phủ tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HÐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2021 - 2026; cho ý kiến về ba dự án luật: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH; sửa đổi, bổ sung Ðiều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thí điểm không tổ chức HÐND tại các phường của TP Hà Nội

Sáng qua, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HÐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Ðịnh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Sau đó, QH thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HÐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội. Tờ trình của Chính phủ trình QH ban hành dự thảo Nghị quyết để thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND tại tất cả các phường (177 phường) thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội. Nhiều đại biểu cho rằng, việc thí điểm là chủ trương lớn, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, được xây dựng dựa trên các cơ sở pháp lý và thực tiễn, căn cứ vào các nghị quyết, kết luận của Ðảng. Ðây là cơ sở quan trọng để từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Lê Vĩnh Tân (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục những bất cập, hạn chế khi thực hiện thí điểm không tổ chức HÐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009 - 2015, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền phường, cần xác định rõ hơn nữa quyền hạn và trách nhiệm của UBND phường, Chủ tịch UBND phường theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực. Ðồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể và cơ chế quản lý của chính quyền nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh thật sự là của dân, do dân, vì dân, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của cấp ủy đảng các cấp. Ðại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và một số đại biểu cho rằng, việc thí điểm không chỉ tác động trực tiếp đến các phường, mà còn ảnh hưởng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương cấp quận, thị xã và thành phố.

Do vậy, để bảo đảm tính tập trung, thống nhất, hoạt động nhanh nhạy thông suốt, hiệu lực, hiệu quả cao, thì các thiết chế HÐND và UBND ở quận, thị xã và thành phố cũng phải cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn, xác định rõ việc, tăng cường sự kiểm tra, giám sát chính quyền ở phường để nâng cao chất lượng hoạt động.

Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Về nội dung quan trọng là tỷ lệ đại biểu QH hoạt động chuyên trách, một số ý kiến tán thành việc giữ nguyên quy định (ít nhất là 35% tổng số đại biểu QH), nhưng có đại biểu đề nghị theo hướng quy định tỷ lệ này ở mức cao hơn để bảo đảm sự tập trung cao nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu trước QH, đồng thời, tạo cơ sở cho công tác quy hoạch, bố trí cán bộ. Ðại biểu Hoàng Ðức Thắng (Quảng Trị) và nhiều ý kiến đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Ðoàn đại biểu QH và vai trò của đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại địa phương khi tiến hành hợp nhất với các văn phòng khác để bảo đảm cơ cấu tổ chức và hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ðoàn đại biểu QH, dự thảo luật quy định theo hướng: Chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí hoạt động và các điều kiện cần thiết khác cho Ðoàn đại biểu QH tại địa phương. Lương của đại biểu QH hoạt động chuyên trách tại địa phương được ngân sách cấp tỉnh bảo đảm theo phân bổ dự toán của HÐND cấp tỉnh. Thảo luận nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn vì nếu quy định như vậy thì vai trò, vị thế của Ðoàn đại biểu QH, đại biểu QH có thể bị hạn chế, nhất là ảnh hưởng đến những hoạt động đòi hỏi tính khách quan trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại địa phương. Do đó, cần quy định theo hướng, ngân sách Trung ương bảo đảm cho hoạt động của Ðoàn đại biểu QH và đại biểu QH.

Tiếp tục đổi mới quy định nhập cảnh, xuất cảnh

Trong phiên làm việc buổi chiều, QH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tờ trình nêu rõ, việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam.

QH nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tờ trình nêu rõ, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Phi Long (Bình Ðịnh) cùng một số đại biểu cho rằng, chủ trương miễn thị thực, tạo thủ tục đơn giản hóa trong nhập cảnh Việt Nam thể hiện rõ chủ trương đổi mới của Ðảng đối với người nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài sinh sống, quá cảnh ở Việt Nam sẽ giúp thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc dự thảo luật bổ sung trường hợp được miễn thị thực là "vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ" cần phải xem xét kỹ lưỡng. Bởi lẽ, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng - an ninh, khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động của người nước ngoài. Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu cho nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Vì vậy, việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển phải kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể, là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia và có sáu quốc gia đơn phương miễn thị thực có điều kiện cho công dân Việt Nam. Với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà ngược lại cần thiết phải mở rộng diện các nước được đơn phương miễn thị thực.

Thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cùng một số đại biểu nêu ý kiến, thực tế hiện nay, việc sử dụng vũ khí có chức năng tương tự vũ khí quân dụng rất là phổ biến, diễn ra ở nhiều nơi. Trên in-tơ-nét còn có hướng dẫn về việc chế tạo, lắp ráp các loại vũ khí. Có nhiều loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng có tính sát thương cao, nếu không xử lý sẽ dẫn đến bất ổn về trật tự xã hội. Hơn nữa, các đối tượng phản động có thể lợi dụng những loại vũ khí này để gây rối, gây ra các vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Trong khi đó, các hành vi nêu trên chưa quy định rõ trong luật để có chế tài xử lý, tạo ra khoảng trống rất nguy hiểm. Bởi vậy, cần thiết phải xây dựng dự án luật.

Một số đại biểu nêu vấn đề, về các loại vũ khí có giá trị về mặt nghệ thuật được gia đình quản lý từ đời này sang đời kia, như là cổ vật, liệu có nên xếp vào nhóm vũ khí cần bị quản lý, thu hồi hoặc đem giao nộp. Dự thảo luật cần nghiên cứu về nhóm vũ khí thuộc về đồ quý, đồ cổ mang tính nghệ thuật, có giá trị. Vì thực tế ở nhiều nước trên thế giới, có các quầy bán đồ lưu niệm có bán cả súng, đối với họ là đồ chơi nhưng mang về Việt Nam là vi phạm.

Tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những người dân sử dụng vũ khí tự chế như một nét văn hóa, hoặc sử dụng để làm một số nghi thức mang tính chất tôn giáo. Bên cạnh đó, có một số người trước đây có công với cách mạng, được tặng thưởng khẩu súng liệu có phải đem đi giao nộp. Vì vậy dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần xây dựng theo hướng quy định chặt chẽ nhưng cũng bảo đảm tính nhân văn.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Lai Châu)

Thực tế cho thấy, UBND phường là cơ quan hành chính gần dân nhất, nhưng cũng là nơi dễ phát sinh nhiều vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng người dân. Vì thế, để việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát, phản biện của MTTQ và các giải pháp tăng cường việc thực hiện quyền đại diện của nhân dân trên địa bàn phường.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top