Gần dân để hiểu dân

08:40 - Thứ Năm, 07/11/2019 Lượt xem: 10936 In bài viết

ĐBP - Sáp nhập thôn, bản là một trong những vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh, huyện và với các thôn, bản dự kiến phải sáp nhập, xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) cũng không là ngoại lệ. Bởi sau khi sáp nhập một bộ phận cán bộ thôn bản sẽ không còn giữ vị trí, mất phụ cấp dẫn đến tâm lý lo ngại nên chưa sẵn sàng hoặc còn phát sinh một số khó khăn từ điều kiện thực tiễn tại địa phương (phong tục tập quán, khoảng cách trở ngại giữa các thôn bản sáp nhập…). Ðây cũng là vấn đề khá “nóng”, thu hút nhiều lượt ý kiến, tâm tư của người dân tại buổi đối thoại giữa MTTQ và nhân dân với người đứng đầu chính quyền 2 cấp huyện Tuần Giáo, được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua.

Cán bộ xã Phình Sáng, MTTQ huyện Tuần Giáo trao đổi, đối thoại với người dân bản Nậm Din.

Ðại diện người dân bản Phiêng Vang, ông Hạng Giàng Chá (trưởng bản) bày tỏ không ít băn khoăn: Hiện nay, bản có 47 hộ và theo quy định thì phải sáp nhập với bản khác. Dù đã được cán bộ xã tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập và cũng hiểu rằng sáp nhập sẽ giảm được số lượng cán bộ thôn bản, giảm áp lực chi ngân sách; song với bản Phiêng Vang thì việc sáp nhập này khiến bà con khá tâm tư vì nhiều lẽ. Theo Ðề án sáp nhập thôn bản của xã, bản Phiêng Vang phải sáp nhập với bản Phình Cứ mà khoảng cách giữa 2 bản cách nhau tới 6km, giao thông cách trở trong khi bản Phiêng Vang chưa có điện thắp sáng khiến việc triển khai tổ chức hội họp sau khi sáp nhập sẽ gặp khó khăn. Vì vậy ông Chá rất mong chính quyền các cấp có thẩm quyền xem xét. Ngay cả với người dân bản Phình Cứ có mặt trong buổi đối thoại cũng vẫn chưa thực sự “thông” về vấn đề sáp nhập này. Phần lớn ý kiến người dân cho rằng hiện nay bản đã có 130 hộ - cận với tiêu chí 150 hộ theo hướng dẫn sáp nhập của cấp trên, trong khi bản ở vị trí biệt lập nên việc sáp nhập với bản Phiêng Vang như đề án xây dựng sẽ khó khăn cho bà con khi hội họp, triển khai tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước tới nhân dân cũng như việc quản lý nhân, hộ khẩu trong bản không thuận như trước khi sáp nhập. Giải thích để người dân hiểu rõ phương án sau khi sáp nhập giữa bản Phiêng Vang và Phình Cứ lấy tên bản Phình Cứ, UBND xã Ta Ma đã có phương án bố trí cán bộ bản ở cụm dân cư Phiêng Vang (thuộc bản Phình Cứ khi sáp nhập) để tổ chức hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của cấp trên tới nhân dân. Với phương án này của xã cơ bản người dân có mặt tại buổi đối thoại như vừa trút đi một gánh nặng.

Không chỉ lo ngại về việc sáp nhập thôn bản mà các vấn đề xoay quanh đời sống dân sinh, thực hiện chính sách chế độ hỗ trợ của Nhà nước còn những băn khoăn, vướng mắc cũng được người dân phản ánh ngay tại hội nghị. Hàng loạt ý kiến về việc cần công khai kinh phí sửa chữa nhỏ, duy tu đường giao thông liên thôn bản, xã sử dụng nguồn vốn sự nghiệp giao thông hàng năm; việc hỗ trợ phát triển giống cây trồng vật nuôi để giúp dân xóa đói giảm nghèo theo các dự án (trồng bưởi da xanh) cơ quan chuyên môn giúp dân khảo sát kỹ về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; phương án “đầu ra” cho sản phẩm trước khi thực hiện, hỗ trợ (cấp phát giống, phân bón…) để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2018 đến nay có 19 hộ (5 hộ ở bản Phiêng Cải, 14 hộ bản Thớ Tỷ) được cấp giống bưởi da xanh để trồng. Dù vẫn tích cực chăm sóc, bảo vệ sau trồng, song một bộ phận còn e ngại, tâm tư vì thiếu thông tin cũng như hướng “đầu ra” khi sản phẩm cho thu hoạch. Người dân cũng thẳng thắn phản ánh việc chi trả chế độ tiền điện thắp sáng cho hộ nghèo trong xã còn chậm; việc 6 con bò dự án được nuôi nhóm hộ theo hình thức luân chuyển ở bản Trạm Củ bị chết (khi chưa kịp luân chuyển cho hộ khác) đề nghị xã cần vào cuộc giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho các gia đình… Trước những vấn đề người dân phản ánh, đề xuất kiến nghị tại buổi đối thoại, lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo và UBND xã Ta Ma đã thông tin, trả lời cụ thể và cơ bản tìm được sự thống nhất giữa chính quyền và nhân dân. Ông Giàng A Dua, Chủ tịch UBND xã Ta Ma cho biết: Cùng với việc giải thích cho người dân hiểu thông qua các cuộc trao đổi, đối thoại trực tiếp với người dân, lãnh đạo xã còn chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong các buổi tiếp dân, trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính… Nhờ đó cơ bản những vấn đề “nóng”, bức xúc trên địa bàn đều được nắm bắt và giải quyết kịp thời; qua đó giúp người dân hiểu hơn về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn về phía cán bộ thực thi nhiệm vụ cũng là dịp để xem lại phương pháp làm việc, chỉ đạo, điều hành để điều chỉnh sao cho hiệu quả, thuận lợi trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Không chỉ ở xã Ta Ma, mà hàng loạt các xã trong tỉnh nhờ làm tốt công tác trao đổi, đối thoại trực tiếp, kịp thời với nhân dân đã góp phần giảm tình hình khiếu kiện và bức xúc trong nhân dân, tạo thuận lợi để giải quyết các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân. Ông Quàng Văn Ém, Chủ tịch UBND xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) thông tin với chúng tôi về Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND xã với nhân dân trên địa bàn đầu năm 2019 và khẳng định, chỉ có trực tiếp gặp, trao đổi với người dân thì mới hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những bức xúc của bà con để từ đó có hướng điều chỉnh, kịp thời giải quyết. Qua đối thoại với người dân trong xã, những vấn đề bà con phản ánh liên quan đến công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, an sinh xã hội… trong thời gian qua đã được xã trực tiếp giải quyết, còn những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách xã cũng đã báo cáo với cấp trên để xem xét và rồi thông tin lại để nhân dân biết. Qua đó nhiều vấn đề về quản lý đất đai, chế độ chính sách hỗ trợ đã được giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nhiều tâm tư trong nhân dân đều được nắm bắt, bàn giải pháp tháo gỡ.

Ðể triển khai hiệu quả công tác trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, cùng với việc nắm chắc nội dung của các quyết định, nghị quyết, quy định… liên quan, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Công tác khảo sát, nắm tình hình, lựa chọn nội dung trọng tâm để đối thoại và phát huy vai trò của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để phối hợp tổ chức đối thoại và giám sát thực hiện các kiến nghị sau đối thoại. Có như vậy mới thực sự phát huy hiệu quả của các cuộc trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân, củng cố niềm tin của người dân với chính quyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top