Xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh

08:53 - Thứ Hai, 16/12/2019 Lượt xem: 14891 In bài viết

ĐBP - Là nơi trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh là “cầu nối” vững chắc giữa Nhà nước với nhân dân. Chính vì vậy, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để xây dựng “cầu nối” này để vừa có đủ năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đem lại sự hài lòng với nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII Ðảng bộ tỉnh.

Cán bộ xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình tới người dân. Ảnh: Gia Kiệt

Bài 1: “Cầu nối” giữa Nhà nước với nhân dân

Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, tỉnh quan tâm xây dựng, củng cố chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện, nhất là chính quyền cơ sở; chỉ đạo chính quyền cơ sở đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo phương châm hành động mới của Chính phủ và của UBND tỉnh năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, đột phá, hiệu quả” để xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại.

Theo ông Lê Hữu Khang, Giám đốc Sở Nội vụ, điểm nổi bật nhất trong củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh trên địa bàn tỉnh đạt được thời gian qua đó chính là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực về thái độ, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã, nhất là người đứng đầu. Ðổi mới công tác bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý lựa chọn người có năng lực, tư duy đổi mới, phẩm chất đạo đức tốt, gắn với cơ chế trách nhiệm; kịp thời thay thế cán bộ, công chức trì trệ, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm thực thi công vụ. Tỉnh chỉ đạo tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp.

Ðể đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chính quyền cơ sở. Ðó là “cái gậy” để hàng năm, chính quyền địa phương đánh giá tổng kết công tác này; đồng thời chỉ đạo củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, nhất là xã yếu kém, kiên quyết thay thế Chủ tịch UBND cấp xã nhiều năm xếp loại trung bình… Với các giải pháp quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chính quyền cơ sở được nâng lên, hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chấp hành tốt sự chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan nhà nước cấp trên; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành và có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã tiếp tục được nâng lên. Ðến nay có 64/130 xã, phường, thị trấn đạt trong sạch vững mạnh; 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân theo quy định.

Thanh Nưa dù không phải xã được huyện Ðiện Biên lựa chọn xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, song với sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết thống nhất của Ðảng bộ, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực tham gia của nhân dân nên đến cuối năm 2017 xã đã “cán đích” nông thôn mới. Bà Lò Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi hoạt động từ việc xây nhà văn hóa bản, làm đường bê tông liên bản... đều được công khai, lấy ý kiến nhân dân rồi đưa vào Nghị quyết và Chương trình hành động của Ðảng bộ xã. Mức đóng góp cụ thể của người dân ra sao, ưu tiên thực hiện hạng mục, phần việc nào trước đều được triển khai thuận lợi và không hề có thắc mắc của người dân, bởi nhân dân là người được quyền quyết định làm cái gì, làm như thế nào và cũng chính là người giám sát.

Còn tại xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo), năng lực của cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được khẳng định, với uy tín của mình với người dân tại cơ sở nên nhiều vấn đề phát sinh trong thời gian qua, như: Tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa các dòng họ... đã được giải quyết, hóa giải ngay từ cấp xã; đồng thời khơi gợi được sức mạnh tập thể trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chính quyền xã Chiềng Ðông đã khẳng định được vai trò quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Quàng Văn Sung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân công cán bộ xã tiếp dân, giải đáp các chế độ, chính sách cho nhân dân; xã đã chủ động tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng, quản lý khai thác sử dụng và duy tu bảo dưỡng các công trình đường giao thông liên thôn, bản, công trình phúc lợi, xã hội. Hàng năm huy động từ 85 - 100% hộ gia đình trong xã tự nguyện đóng góp ngày công, vật chất để xây dựng, tu sửa các tuyến đường nội xã. Bảo vệ từ 95 - 100% vốn rừng hiện có, không để xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm đều giảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.

Ông Vũ Văn Ðức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Xây dựng chính quyền cấp xã đoàn kết, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân; các xã trên địa bàn đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; phát huy dân chủ ở cơ sở, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ công chức cấp xã; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Công tác đối thoại, trao đổi với nhân dân được UBND cấp xã quan tâm thực hiện; cán bộ xã tăng cường sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân từ đó đã góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân tại cơ sở. Góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bài 2: Cán bộ là then chốt

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top