Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”

12:38 - Thứ Tư, 18/03/2020 Lượt xem: 8771 In bài viết

ĐBP - Ngày 18/3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương đổng chủ trì hội nghị. Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Thực hiện Đề án, giai đoạn 2009 – 2019, sản lượng lúa cả nước tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên 525kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu thế giới về chỉ số này. Tình trạng thiếu dinh dưỡng được cải thiện, giảm từ 18,2% giai đoạn 2004 – 2006 xuống còn 10,8% hiện nay. Trung bình mỗi năm cả nước xuất khẩu từ 5 – 7 triệu tấn gạo; thu nhập của người dân nông thôn tăng 4,3 lần và thu nhập người trồng lúa có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất…

Sau 10 năm thực hiện Đề án, sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được nhiều thành quả ghi nhận: Tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt hơn 264 nghìn tấn (tăng hơn 51,2 nghìn tấn so với năm 2009); trong đó, sản lượng lúa gạo đạt gần 151 nghìn tấn, tăng hơn 127 nghìn tấn so với năm 2009. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 434,7kg năm 2009 lên 458,8kg năm 2018. Về phát triển cơ sở hạ tầng, đến nay toàn tỉnh gần 920 công trình thủy lợi, tăng 117 công trình so với năm 2009; hệ thống cơ sở chế biến và bảo quản nông sản có trên 2.500 cơ sở và 2 nhà máy chế biến thóc, nông sản. Toàn tỉnh có khoảng 92ha diện tích trồng rau, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGap, với sản lượng cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 1.350 tấn rau, quả. Khoa học công nghệ được chuyển giao và ứng dụng góp phần cải thiện và đổi mới quy trình sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao; kinh tế nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững, còn tình trạng “được mùa, mất giá”, giải cứu nông sản. Cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất. Nguồn lao động nông nghiệp dồi dào nhưng chất lượng còn thấp; chính sách đối với nông dân và doanh nghiệp trong nông nghiệp còn bất cập; chậm đổi mới các hình thức sản tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tập trung đổi mới tư duy chiến lược theo hướng nông nghiệp đã chuyển dần sang sản xuất lương thực theo tín hiệu thị trường; xác định giải quyết vấn đề an ninh lương thực gắn với an ninh dinh dưỡng; tranh thủ và tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dinh dưỡng. Đồng thời rà soát lại tài nguyên đất đai, xác định lợi thế từng vùng để có chiến lược phát triển phù hợp; tiếp tục nâng cao và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực thực phẩm và đời sống nhân dân; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chống biến đối khí hậu; tập trung phát triển các vùng nguyên liệu.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top