Sớm giải quyết vấn đề phát sinh sau sáp nhập

Bài 2: Chậm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức tới khi nào?

07:58 - Thứ Sáu, 03/04/2020 Lượt xem: 11097 In bài viết

ĐBP - Sau khi sáp nhập xã Tà Lèng vào xã Thanh Minh, xã Thanh Minh (mới) nhanh chóng đi vào vận hành, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, quản lý địa bàn dân cư. Song vấn đề đặt ra đó là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau sáp nhập cần được giải quyết, tháo gỡ kịp thời vừa để đảm bảo quyền lợi cũng như kịp thời động viên những cán bộ, công chức (CBCC) vì nhiệm vụ chính trị yên tâm đảm nhiệm công việc mới.

Bài 1: Quyết liệt sắp xếp, bố trí cán bộ công chức sau sáp nhập

Lãnh đạo UBND xã Thanh Minh phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và xã hội TP. Điện Biên Phủ, Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên trao nhà nhân ái cho gia đình anh Phá A Trá, bản Pa Pốm.

Tìm hiểu tại cơ sở chúng tôi được biết dù sáp nhập và chính thức đi vào hoạt động đã 3 tháng nay, nhưng hiện 39 CBCC xã Thanh Minh chưa được trả lương. Điều này khiến không ít CBCC tâm tư, nhất là khi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều mặt hàng giá cả leo thang, trong khi mọi sinh hoạt đều trông vào tiền lương hàng tháng. Chị Vũ Thị An, công chức Văn phòng UBND xã Thanh Minh cho biết: Mình may mắn hơn các đồng chí khác đó là sau khi sáp nhập 2 xã thành 1 xã vẫn được làm đúng công việc trước đây. Tuy nhiên đã vài tháng qua chưa được trả lương dù mình đi làm đều đặn, thực hiện đúng nội quy quy chế của cơ quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên sốt ruột lắm! Con nhỏ, mọi sinh hoạt của gia đình đều trông vào đồng lương, mấy tháng qua không có lương mình đều phải vay mượn để trang trải. Không chỉ riêng mình mà cơ bản số CBCC khác cũng đều trong tình trạng khó khăn tương tự.

Được trưng tập thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan mới, công việc có phần áp lực hơn vì phải làm quen, tiếp cận với công việc hoàn toàn mới nhưng điều đó không khiến chị Lò Thị Thiêm lo lắng bằng việc đã 3 tháng nay (từ tháng 1 - 3/2020) chưa được nhận lương (riêng tháng 1/2020 mới được tạm ứng lương). Chị Thiêm cho biết, lương mỗi tháng được nhận gần 5 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng lại là thu nhập ổn định, khéo cân đối vẫn đủ cho cuộc sống của gia đình. Vài tháng nay chưa được nhận lương, các con còn nhỏ nhiều khoản phải chi tiêu khiến cuộc sống gia đình đã không dư dả nay càng khó khăn. Biết rằng sau khi sáp nhập xã rất nhiều việc phải làm, phải sắp xếp lại nên chậm có lương mình cũng thông cảm thôi. Nhưng vài tháng nay chưa được nhận lương rồi nên khó khăn lắm, mình mong sớm được nhận lương để còn trang trải cuộc sống!

Không chỉ phải lo duy trì sinh hoạt, cuộc sống thường nhật mà điều CBCC lo lắng là ảnh hưởng đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Rồi chẳng may đau ốm, nghỉ thai sản, chế độ của họ sẽ được thanh toán, giải quyết ra sao, quyền lợi có được đảm bảo, chưa kể tới số tiền lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội có được miễn khi nguyên nhân không phải do chính họ?

Trao đổi với chúng tôi về những vướng mắc, bất cập sau khi sáp nhập, ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh cho rằng, cái khó lớn nhất với UBND xã Thanh Minh không phải là quản lý địa bàn rộng, dân cư đông hơn hay thêm nhiều việc phải giải quyết mà là chế độ, chính sách đối với CBCC xã. Ông Hùng cho biết, CBCC xã Thanh Minh có tới 80% là người dân tộc thiểu số, đời sống cũng chả dư dả là bao nên hầu hết mọi người cũng đều vay ngân hàng qua lương để sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Vì thế, ngay sau khi sáp nhập xã, để đảm bảo quyền lợi cho CBCC đối với trường hợp tiếp tục công tác tại xã và những người được trưng tập thực hiện nhiệm vụ khác theo quyết định của UBND TP. Điện Biên Phủ; UBND xã đã tiến hành đăng ký quỹ lương để chi trả lương hàng tháng cho CBCC. Nhưng trong quá trình thanh toán tiền lương tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Điện Biên lại yêu cầu phải có quyết định giao biên chế của tỉnh theo Nghị quyết  số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 mới cho đăng ký quỹ lương để có cơ sở thực hiện chi trả. Yêu cầu đó của cơ quan kho bạc vượt thẩm quyền của UBND xã. Đây cũng chính là lý do đến thời điểm này UBND xã Thanh Minh không thanh toán được tiền lương cho 39 CBCC mà chỉ tạm ứng được tiền lương tháng 1/2020. Thấu hiểu đời sống khó khăn cũng như việc cần thiết phải đảm bảo quyền lợi cho số CBCC này; hơn 1 tháng trước đó UBND xã Thanh Minh đã làm tờ trình đề nghị UBND TP. Điện Biên Phủ giao số lượng CBCC cho UBND xã Thanh Minh, để làm căn cứ trả lương cho CBCC xã; nhưng đến nay chưa có “hồi âm” trong khi cơ quan BHXH liên tục giục đóng BHXH cho người lao động, nếu không sẽ tính phạt tiền lãi do chậm nộp! Dù rất sốt ruột về việc trả lương để đảm bảo quyền lợi cho CBCC xã, nhưng UBND xã không thể giải quyết mà cũng chỉ biết đề nghị và... chờ đợi mà thôi! - ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Đem những tâm tư, vướng mắc của CBCC cũng như lãnh đạo xã Thanh Minh liên quan đến việc giao số lượng, trả lương cho CBCC, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo phòng Nội vụ - cơ quan tham mưu cho UBND TP. Điện Biên Phủ về công tác sáp nhập cấp xã, giao số lượng CBCC trên địa bàn. Chia sẻ những khó khăn với CBCC ở xã mới sáp nhập, ông Đỗ Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ TP. Điện Biên Phủ cho biết: UBND xã Thanh Minh (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Tà Lèng vào xã Thanh Minh có tổng số 39 CBCC và đang dôi dư 21 người. Phòng đã tham mưu cho UBND TP. Điện Biên Phủ thực hiện quy trình điều động, luân chuyển và giải quyết nghỉ hưu, nghỉ việc cho 6 CBCC trong năm 2020 và 15 người tiếp tục được giải quyết sắp xếp bố trí trong thời gian 5 năm (theo Đề án Sắp xếp mở rộng địa giới hành chính TP. Điện Biên Phủ). Tuy nhiên, hiện nay Kho bạc Nhà nước tỉnh chi trả tiền lương và các khoản phụ cấp của CBCC cấp xã căn cứ vào số lượng người được giao tại Quyết định số 33/QĐ-UBND, ngày 27/9/2019 của UBND tỉnh giao biên chế cho các xã, phường theo từng loại hình. Do vậy, CBCC xã Thanh Minh chưa được cơ quan kho bạc thẩm định chi trả lương và các khoản phụ cấp.

Cũng theo ông Đỗ Thành Công, để đảm bảo chế độ, chính sách, tiền lương và các khoản phụ cấp khác của CBCC xã theo quy định, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND TP. Điện Biên Phủ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, vướng ở khâu nào, kết quả giải quyết ra sao và đến bao giờ CBCC mới được chi trả lương thì chưa biết!

Thiết nghĩ, vì bất kỳ lý do gì nguyên nhân nào chăng nữa thì với việc chậm trả lương cho CBCC đã và đang xảy ra ở xã Thanh Minh sau sáp nhập như hiện nay cần phải được sớm quan tâm giải quyết. Bởi hệ lụy của việc này không chỉ gây khó khăn cho CBCC mà kéo theo hàng loạt chế độ, chính sách cho cá nhân mỗi CBCC bị ảnh hưởng. Việc quan tâm giải quyết kịp thời vừa đảm bảo quyền lợi cũng như động viên CBCC xã mới sáp nhập vượt khó để tiếp tục cống hiến, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều khiến chúng tôi day dứt trong buổi làm việc với ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh khi ông nhắc đi nhắc lại: “CBCC mình sống bằng tiền lương. Vài tháng rồi chưa được nhận lương, giải thích thì họ cũng thông cảm, chia sẻ; nhưng nói thực là anh em khó khăn lắm! Hơn 80% CBCC xã hiện có dư nợ vay qua lương nhà báo à”.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top