Hiệu quả phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở huyện Ðiện Biên

08:55 - Thứ Sáu, 19/06/2020 Lượt xem: 9144 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Ðiện Biên đã vận dụng linh hoạt các chính sách, lồng ghép các nguồn vốn, đồng thời huy động nguồn lực trong dân để thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng, tạo bước đột phá trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Ðến nay, các công trình xây dựng theo phương châm  “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã phát huy hiệu quả thiết thực, đảm bảo chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Ðường nội bộ đội 7, xã Thanh Xương được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tuyến đường bê tông liên thôn C9A, C9B, C9C (xã Thanh Xương) là một trong những công trình đầu tiên của huyện Ðiện Biên được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuyến đường được khởi công tháng 10/2014, với chiều dài hơn 2,5km; tổng nguồn vốn hơn 2,3 tỷ đồng. Người dân 3 thôn: C9A, C9B, C9C đóng góp ngày công lao động, cát nguyên liệu đổ bê tông, giải phóng mặt bằng, san ủi nền đường. Theo hồ sơ thiết kế, mặt đường rộng 3m, bê tông dày 16cm. Sau hơn 3 tháng thi công, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ðến nay, sau hơn 5 năm đưa vào khai thác, tuyến đường đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp người dân đi lại, giao thương, vận chuyển nông sản thuận lợi.

Ông Bùi Văn Xuân, người dân thôn C9B cho biết: Ngày trước, tuyến đường này là đường dân sinh, đóng vai trò chính trong hoạt động vận chuyển nông sản của người dân trong thôn, mặc dù hàng năm người dân vẫn gia cố thường xuyên nhưng mỗi khi có trận mưa lớn thì đường “trơn như đổ mỡ”. Khi UBND xã Thanh Xương thông báo bê tông hóa tuyến đường này theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 100% hộ dân trong thôn đồng ý hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để làm đường.

Sau khi đưa vào sử dụng, hàng năm các thôn đều tổ chức duy tu, sửa chữa nên đã sử dụng 5 năm nhưng tuyến đường vẫn bền đẹp. Ngoài ra, chi hội phụ nữ các thôn: C9A, C9B, C9C đã tổ chức trồng thêm các loại hoa 2 bên đường tạo cảnh quan. Giờ đây 2 bên đường vào 3 thôn: C9A, C9B, C9C các loài hoa đua nhau khoe sắc tạo cảnh quan thanh bình, giàu sức sống cho vùng nông thôn mới.

Cơ sở vật chất văn hóa từng là một trong những tiêu chí nông thôn mới khó thực hiện nhất. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Ðiện Biên đã vận dụng linh hoạt các chính sách, huy động được sức dân nên những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tiêu chí này từng bước được tháo gỡ. Giờ đây, nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện đều đã có nhà văn hóa khang trang và phát huy hiệu quả sau đầu tư. Ðiển hình như nhà văn hóa bản Mới, xã Thanh An. Trước năm 2017, mặc dù được UBND huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhưng bản Mới gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất. Năm 2017, hưởng ứng phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, gia đình ông Lò Văn Xương đã tự nguyện hiến 518m2 đất của gia đình để xây dựng nhà văn hóa bản. Cùng với sự đóng góp ngày công lao động của dân bản, công trình nhà văn hóa bản Mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 12/2017. Ông Lò Văn Xương cho biết: “Nhà văn hóa bản là thành quả của sự cố gắng, đoàn kết của người dân bản Mới. Mỗi hộ dân trong bản đều góp sức, góp kinh phí và có trách nhiệm từ quá trình đầu tư xây dựng đến công tác quản lý, bảo vệ”.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ðể huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới, huyện Ðiện Biên đã nghiên cứu và ban hành cơ chế đặc thù. Ngày 27/12/2013, HÐND huyện đã thông qua Nghị quyết số 15-NQ/HÐND về áp dụng quy mô kỹ thuật và đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2018; ngày 28/4/2016 Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HU về chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020. UBND huyện cụ thể hóa các nghị quyết của Huyện ủy, HÐND huyện; thông qua cơ chế Nhà nước hỗ trợ nhân dân các loại vật liệu chính như: Ðá, xi măng, cống bê tông qua đường; hỗ trợ làm nhà văn hóa là nhà sàn 3 gian 250 triệu đồng; nhà văn hóa không phải nhà sàn, quy mô 4 gian 200 triệu đồng, nhà 3 gian 150 triệu đồng, có thiết kế điển hình để áp dụng (nhân dân đóng góp cát xây dựng, ngày công, hiến đất...) Nhờ đó, đã tạo bước đột phá trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của huyện, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Các công trình được xây dựng có sự bàn bạc, giám sát, kiểm tra của nhân dân nên chất lượng công trình luôn đảm bảo, phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top