Cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng, chứng thực

17:30 - Thứ Tư, 09/09/2020 Lượt xem: 6529 In bài viết

ĐBP- Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 – 2019, ngày 9/9, đoàn giám sát Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) do đồng chí Phạm Bá Lung, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban pháp chế làm trưởng đoàn làm việc với Văn phòng công chứng Xuân Phúc; Văn phòng Công chứng Điện Biên và Sở Tư pháp.

Đoàn giám sát làm việc với Sở Tư pháp.

Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Công chứng Xuân Phúc, Văn phòng Công chứng Điện Biên kiến nghị với đoàn giám sát về: Hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng hiện nay vẫn còn một số quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa Bộ Luật dân sự và luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình; một số quy định chưa rõ ràng, cụ thể, được hiểu chưa thống nhất dẫn đến việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong chuyên môn, nghiệp vụ công chứng còn khó khăn. Việc giả mạo trong công chứng, chủ yếu giả giấy tờ và giả người yêu cầu công chứng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu công chứng chưa được liên thông với cơ sở dữ liệu về hộ tịch, đất đai, đăng ký biện pháp đảm bảo… Tỉnh cần có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp nghiêm túc triển khai Quyết định 46/2019/QĐ-UBND ngày 25/12/2019 của UBND tỉnh về quy chế cung cấp, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ trang thiết bị để phục vụ công tác kiểm tra, nhận biết những giấy tờ giả mạo, nghi bị làm giả. Bên cạnh đó, khi có quy hoạch mới về đất đai, tỉnh cần gửi văn bản cho các tổ chức hành nghề công chứng để biết được khu đất nào nằm trong quy hoạch thuộc diện không được chuyển đổi mục đích và không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp...

Đối với Sở Tư pháp, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và quy định liên quan; những thông tin về các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, công tác chứng thực... Giai đoạn 2015- 2019, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện trên 41 nghìn số công chứng hợp đồng; trên 63 nghìn chứng thực bản sao, chữ ký; kết quả hoạt động chứng thực tại UBND cấp huyện và cấp xã là trên 2,3 triệu bản; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản trên 37 nghìn việc; chứng thực hợp đồng giao dịch trên 27 nghìn việc. Tổng số phí công chứng thu được trên 17 tỷ đồng; tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 3,2 tỷ đồng.

Sở Tư pháp cũng nêu lên một số bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về công chứng, chức thực như: Việc triển khai, tuyên truyền phổ biến các văn bản chỉ đạo còn chưa đồng bộ; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn công chứng viên, nên số lượng công chứng viên hạn chế; một số quy định của Luật Công chứng đã bộc lộ những điểm bất cập trong hoạt động thực tiễn cần sớm sửa đổi, bổ sung phù hợp… Đồng thời kiến nghị sửa đổi một số điều quy định trong Luật Công chứng; có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo. Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để mở lớp tập huấn đào tạo nghề công chứng tại địa phương (giai đoạn 2020 - 2030 cần thêm 30 công chứng viên); UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản, tạo thuận lợi cho việc tra cứu khai thác thông tin về bất động sản…

Đồng chí Phạm Bá Lung đánh giá hoạt động công chứng, chứng thực trong thời gian vừa qua nhanh chóng, kịp thời; đáp ứng nhu cầu của xã hội; thu nộp phí đảm bảo công khai, minh bạch. Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí đề nghị ngành Tư pháp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động công chứng, chứng thực; phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc UBND tỉnh chỉ đạo cấp huyện đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho cấp huyện, xã phục vụ công tác công chứng, chứng thực. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác công chứng, chứng thực; thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng, chứng thực tại các địa phương.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top