Một kỳ họp nhanh gọn, chất lượng

08:44 - Thứ Sáu, 13/11/2020 Lượt xem: 6127 In bài viết

ĐBP - Diễn ra trong thời gian ngắn song kỳ họp thứ 15, HÐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã quyết nghị thông qua 4 nghị quyết quan trọng. Trong đó, 2 nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 được đại biểu HÐND tỉnh quan tâm thảo luận kỹ.

Ðại biểu Lò Văn Phương đóng góp ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 15, HÐND tỉnh khóa XIV.

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh hơn 32,3 tỷ đồng. Tuy nhiên nguồn kinh phí này chưa đáp ứng các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các nội dung thực hiện chủ yếu là tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn; đối tượng tham gia là các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, giá trị không cao dẫn đến không khuyến khích, nhân rộng mô hình. Trong khi đó, phương thức hỗ trợ còn dàn trải; định mức hỗ trợ thấp, thiếu sự linh hoạt khi vận dụng như: Mô hình sản xuất giống cây hàng năm mức hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/mô hình/năm và 30 triệu đồng/hộ/năm; mô hình nuôi trồng thủy sản hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/mô hình/năm và 50 triệu đồng/hộ/năm…

Ðể nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh nội dung chi và mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông nhằm thay thế Quyết định số 10/2012/QÐ-UBND của UBND tỉnh về mức chi và hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông đã không còn phù hợp với thực tế. Một trong những nội dung của tờ trình được các đại biểu quan tâm là mức hỗ trợ xây dựng mô hình. Theo đó, hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới và địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại theo công bố của cấp có thẩm quyền; hỗ trợ tối đa 70% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu ở các địa bàn còn lại. Ðối với mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (đối với tất cả các địa bàn); hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình (đối với tất cả các địa bàn). Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập... khi nhân rộng mô hình.

Thảo luận về các nội dung UBND tỉnh trình, một số đại biểu HÐND tỉnh đã chỉ ra một thực trạng: Khi triển khai mô hình các hộ tham gia được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật. Vì vậy không tránh khỏi tình trạng một số hộ tham gia mô hình để được nhận hỗ trợ và sau khi kết thúc chương trình thì không tiếp tục nhân rộng. Cùng với đó, sự đầu tư cho các hoạt động khuyến nông tại cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là trong việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông cơ sở.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá của đại biểu HÐND tỉnh, kỳ vọng rằng khi Nghị quyết về nội dung chi và mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông được ban hành (có hiệu lực thi hành từ năm 2021) sẽ khắc phục được những bất cập trong thời gian qua. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nội dung cũng được các đại biểu HÐND tỉnh quan tâm tham gia ý kiến đóng góp là việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu nhấn mạnh việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ phải khắc phục những bất cập trước đây. Ðó là việc không quy định cụ thể nguyên tắc, tỷ lệ phân bổ tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương trong 5 năm cho các ngành, lĩnh vực và cho các huyện, thị xã, thành phố. Ðiều này dẫn đến trong quá trình thực hiện phát sinh các nhiệm vụ cấp bách, các dự án trọng điểm, quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn; điển hình như Dự án Nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Ðiện Biên. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý, không thực hiện phân cấp cho các huyện quản lý, đã làm mất tính chủ động và linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Ðơn cử như công tác điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm giữa các dự án không có khả năng giải ngân, giải ngân chậm cho các dự án có khả năng giải ngân tốt đều phải trình UBND tỉnh, HÐND tỉnh phê duyệt, như vậy sẽ không giải quyết kịp thời được nhu cầu điều chỉnh vốn của các chủ đầu tư, các huyện, thị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm…

Sau khi thảo luận, phân tích những vấn đề còn hạn chế trong thời gian qua, những điểm mới trong dự thảo, đại biểu HÐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết. Theo đó nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương bảo đảm tương quan hợp lý về cơ cấu phân bổ vốn giữa các huyện, thị xã, thành phố, giữa các ngành, lĩnh vực do cơ quan cấp tỉnh quản lý. Tập trung bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dành dự phòng 10% trong tổng mức vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương để xử lý các vấn đề cấp bách, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Ðối với cơ cấu phân bổ vốn đầu tư công, dành tối đa không quá 30% nguồn cân đối ngân sách địa phương cấp tỉnh để bổ sung cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố quản lý, sử dụng theo quy định. Về tiêu chí và định mức phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố dựa theo các tiêu chí về dân số, trình độ phát triển, diện tích đất tự nhiên, đơn vị hành chính cấp xã và tiêu chí bổ sung vùng kinh tế động lực...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top