SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

“Nhấp nhổm” chuyện tăng cường!

09:30 - Thứ Tư, 16/12/2020 Lượt xem: 6094 In bài viết

ĐBP - Chuyện giáo viên đứng lớp ở hàng loạt các trường mầm non vùng thuận lợi ở huyện M. phải thực hiện tăng cường đến các trường học vùng ngoài, vùng khó khăn trên địa bàn vừa qua khiến dư luận “dậy sóng”. Vốn dĩ việc tăng cường, điều động giáo viên chẳng có gì đáng bàn vì đó là nhiệm vụ thường xuyên, phải làm của ngành Giáo dục nhằm bù đắp, chia sẻ khó khăn với việc thiếu giáo viên bởi rất nhiều nguyên nhân và cũng là cách đảm bảo, nâng cao chất lượng giảng dạy cho các trường được tăng cường. Tuy nhiên, tăng cường giáo viên như thế nào, thời hạn tăng cường ra sao để không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục giữa nơi có giáo viên đi tăng cường và nơi tiếp nhận giáo viên tăng cường, chưa kể tác động đến tâm lý cán bộ, giáo viên khi mỗi trường làm một kiểu...

Tăng cường, điều động giáo viên vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn, vùng ngoài là việc làm cần thiết, nhằm đảm bảo cho việc dạy học ổn định, điều hòa chất lượng giữa các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng tăng cường giáo viên ở vùng thuận lợi ra vùng khó khăn như ở huyện M. thời gian qua là bài học sâu sắc cho phòng Giáo dục huyện M.; khi chỉ giao nhiệm vụ tăng cường theo quân số cho các trường phải thực hiện, chứ làm như thế nào để thực hiện được nhiệm vụ ấy thì mỗi trường một kiểu. Trường N., thực hiện tăng cường giáo viên theo tháng (có nghĩa hết 1 tháng cô giáo khác lại nhận nhiệm vụ tăng cường cho chính lớp học đó mà cô giáo trước vừa mới hết thời hạn được “rút” về); thì Trường X., lại tăng cường giáo viên theo... tuần (sau mỗi tuần đổi 1 giáo viên); thậm chí có trường thì tổ chức... “gắp thăm” để tìm ra giáo viên phải đi tăng cường! Nhìn vào cách phân công nhiệm vụ giáo viên tăng cường này ai cũng có thể đồ đoán được phần nào chất lượng dạy học ở nơi được tiếp nhận giáo viên tăng cường, chưa kể tới giáo viên thuộc diện “điểm danh” tới lượt tăng cường “bất an” chưa biết khi nào tới lượt mình thì làm sao có thể yên tâm công tác? Trong khi nói tới tiêu chuẩn nào (sức khỏe, độ tuổi, năng lực nghề nghiệp, trình độ chuyên môn) để đảm bảo cho việc tăng cường hiệu quả thì chưa thấy quy định. Cũng vì thế mới xảy ra chuyện có trường hợp giáo viên còn vài ba năm nữa đến tuổi nghỉ hưu vẫn được... nhấc đi tăng cường!

Tăng cường giáo viên vùng thuận lợi đến công tác có thời hạn ở vùng khó khăn là biện pháp quản lý cần nhưng lại hết sức nhạy cảm. Nên làm như thế nào cho hiệu quả, không chỉ với mục tiêu trước mắt là bù đắp thiếu hụt giáo viên ở vùng khó mà còn là câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng khó khăn, đảm bảo chất lượng giảng dạy ở trường có giáo viên đi tăng cường cần được xem xét và có cách làm thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khi thống nhất được cách làm thì giáo viên được phân công nhiệm vụ đi tăng cường sẽ yên tâm công tác, gắn bó với nơi mình tới, dẫu trước mắt còn khó khăn trăm bề, ấy mới là giáo dục nhân văn!

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top