''Phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 3% so với dự toán''

15:37 - Thứ Sáu, 08/01/2021 Lượt xem: 2855 In bài viết

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho ngành Tài chính tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-1-2021 tại 63 điểm cầu.

Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Điểm sáng trong thực hiện chi ngân sách

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội; trong đó, thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán, thu từ dầu thô đạt 98,3% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán.

Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn với tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020.

Chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra với tổng số chi ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Điểm sáng trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước. Ước tính đến ngày 31-12-2020, chi đầu tư phát triển đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9% kế hoạch); phấn đấu đến hết thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31-1-2021) đạt 92-93% dự toán. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng chi NSNN ước đạt khoảng 7,66 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi NSNN bình quân khoảng 28% GDP. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với dự toán, bằng khoảng 10,5% mức Quốc hội cho phép điều chỉnh. Tính chung 5 năm qua, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP, bảo đảm mục tiêu không quá 3,9% GDP.

Năm 2021, dự toán thu ngân sách là 1.343,3 nghìn tỷ đồng; dự toán chi ngân sách 1.687 nghìn tỷ đồng; dự toán bội chi mức 4% GDP.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp với 24 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Hà Nội đề ra 6 nhóm giải pháp

Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thu NSNN trên địa bàn năm 2020 là 286.561 tỷ đồng, đạt 102,8% dự toán. Trong đó, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đạt 265.762 tỷ đồng, đạt 102,9% dự toán.

Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2021, Hà Nội đưa ra 6 nhóm giải pháp:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, cạnh tranh bình đẳng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định.

Hai là, điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN được giao, triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách tài chính trên địa bàn; tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Ba là, tăng cường quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước và các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội theo kế hoạch của thành phố; khai thác và sử dụng có hiệu quả các khoản thu theo cơ chế đặc thù cho đầu tư phát triển.

Bốn là, triển khai công tác tài chính - ngân sách tại các quận, huyện, thị xã và các phường khi triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội từ ngày 1-7-2021.

Năm là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN.

Quang cảnh hội nghị.

Phải chủ động, tích cực hơn, đạt kết quả cao hơn 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả ngành Tài chính đã đạt được. Theo Thủ tướng, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019, có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài chính. Chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực vị thế như hiện nay. Trong khi nhiều nước chìm trong khủng hoảng do đại dịch, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp.

Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là ví dụ thành công đặc biệt trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Hãng định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh đánh giá Việt Nam nổi lên là thiên đường sản xuất mới tại Đông Nam Á với giá trị quốc gia mạnh nhất thế giới đi ngược xu hướng sụt giảm mạnh trên toàn cầu. So với năm 2019, giá trị thương hiệu của Việt Nam nay đã tăng 29% đạt 319 tỷ USD, nhờ đó Việt Nam đã lên 9 bậc, đứng vị trí thứ 33 trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới trong năm 2020.

Theo Thủ tướng, ngành Tài chính đã có đóng góp toàn diện, xuất sắc không chỉ trong năm 2020 mà cả nhiệm kỳ. Nếu như nợ công đầu nhiệm kỳ là 64,55% thì hiện là 55,8%.

Về năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”. Đồng thời, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, cơ cấu NSNN, phát triển ngân sách quốc gia an toàn, bền vững.

Ngoài nhiệm vụ thu, chi, quản lý NSNN, ngành Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực đất nước. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, ngành Tài chính chủ động phối hợp các cấp, địa phương thực hiện tốt hơn sứ mệnh là bảo đảm huyết mạch nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.

“Trong năm 2021, toàn ngành phải chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn và đạt kết quả tổng thể cao hơn năm 2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao 9 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tài chính. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách để môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, ngành Tài chính phải đi đầu về kinh tế số, tài chính số; làm tốt quản lý thu NSNN, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, phấn đấu thu ngân sách tăng tối thiểu 3% so với dự toán; điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top