Sửa đổi Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng để phù hợp với tình hình mới

11:48 - Thứ Bảy, 23/10/2021 Lượt xem: 2793 In bài viết

Sáng 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sẽ “hậu kiểm” phim chiếu mạng

Trình bày tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó, kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.  

Một số vấn đề phát sinh được bổ sung vào dự thảo luật gồm bổ sung quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đối với quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đưa ra 2 phương án: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giữ nguyên quy định của luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

“Về phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án giữ nguyên như luật hiện hành, gồm cả hình thức đấu thầu. “Vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước, tư nhân và phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nói.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đối với quy định phân loại phim, Ủy ban đồng tình với quy định phân loại phim theo độ tuổi như dự thảo luật. Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung tiêu chí phân loại phim theo hướng cụ thể, rõ ràng, áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu

Trình bày tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi sửa đổi, bổ sung dự thảo luật có 8 chương và 98 điều.

“Về nội dung sửa đổi, bổ sung về thi đua, xuất phát từ thực tiễn triển khai các phong trào thi đua thời gian qua, dự thảo bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; đồng thời, đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu"”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung về khen thưởng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới, chiếm tỷ trọng lớn trong nội dung sửa đổi, bổ sung luật. Trong đó, mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng. Đồng thời, bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sửa đổi, bổ sung về đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

Cùng với đó là bổ sung tiêu chuẩn phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất; đồng thời bỏ quy định về thời gian 5 năm 1 lần xét tặng các danh hiệu trên.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” và việc thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố. Bên cạnh đó, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án luật trong lần sửa đổi này.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top