Bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14:13 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 3625 In bài viết

Chiều 18-8, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 4 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, tập trung và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 với việc cho ý kiến vào 8 dự án luật và 1 dự án nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư; xem xét, thông qua theo thẩm quyền 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết.

Thông qua kết quả của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung cho phiên họp, hầu hết các dự án trình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng cao, nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Thành công của phiên họp lần này là bước rất quan trọng để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và là bước rất quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cho biết, vào tháng 9-2022, sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và phiên họp chuyên đề về lập pháp, để bảo đảm chất lượng cao nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình chuẩn bị theo tinh thần từ sớm, từ xa, đặc biệt là với các dự án luật khó như Luật Đất đai (sửa đổi).

Trước đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Tham dự phiên họp có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND tập trung hướng dẫn 5 nhóm vấn đề chính gồm: Chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND; hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND, hoạt động chất vấn và giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, các ban của HĐND; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giám sát của đại biểu HĐND; xem xét việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình.

Cơ quan soạn thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với 5 nội dung về: Hoạt động giám sát của HĐND ở những địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị; công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của các ban HĐND; hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND cấp xã; xác định tính pháp lý của văn bản của Tổ đại biểu HĐND; trách nhiệm thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết và kết luận sau giám sát, chất vấn, giải trình.

Báo cáo ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát HĐND, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đa số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải quy định cụ thể về hoạt động giám sát của HĐND ở những địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Theo dự thảo tờ trình, để giải quyết các bất cập về triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND cấp xã, Ban Soạn thảo dự kiến quy định theo hướng hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND cấp xã được lồng ghép trong hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND cấp xã. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, tờ trình đã nêu bất cập, khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND cấp xã là do số lượng thành viên tham gia ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có công chức chuyên trách giúp việc nên cần có biện pháp hoặc hướng dẫn phù hợp mà không nên hướng dẫn thực hiện khác luật.

Đối với trách nhiệm thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, chất vấn, giải trình và các điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, việc hướng dẫn các nội dung này trong dự thảo là hết sức cần thiết, đây không chỉ là tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của HĐND mà còn của cả các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, do đó, cần có giải pháp khắc phục.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết của đại diện HĐND thành phố Hà Nội và HĐND thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ thống nhất cao với dự thảo nghị quyết và cho rằng, việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết và kịp thời, nhằm chuẩn hóa, đồng bộ một trong những chức năng rất quan trọng của cơ quan dân cử là thực hiện giám sát. Vì vậy, nghị quyết được ban hành sớm ngày nào sẽ tăng hiệu quả ngày đó và cũng là góp phần thiết thực để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết được xây dựng công phu, chất lượng, bám sát thực tiễn, có nhiều điểm mới, phù hợp với tinh thần đổi mới, bài bản, khoa học, hiệu quả của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình soạn thảo, các cơ quan chuẩn bị rất chu đáo, chặt chẽ, lấy ý kiến nhiều cấp, nhiều đối tượng, trong đó, thành phố Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin, thiết chế xử lý sau kết luận giám sát, chất vấn, giải trình…

Cho ý kiến về thành phần tham dự các phiên chất vấn, giải trình tại các địa phương đang thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đề nghị, dự thảo nghị quyết nên bám sát Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cam kết khi nghị quyết được ban hành sẽ tổ chức quán triệt trong các cấp để thực hiện hiệu quả và tin tưởng nghị quyết sẽ nâng cao chất lượng công tác giám sát, giải trình của HĐND trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn nghị quyết mang tính chất như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục cho được một số hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top