Chính trịĐối ngoại

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Cuba

09:23 - Thứ Tư, 16/11/2016 Lượt xem: 4768 In bài viết
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm chính thức Cuba từ ngày 15 đến 17-11 sau đó dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru.

Cuba ngày càng phát triển và hội nhập

Trong thời gian qua, nhân dân Cuba anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội đáng khích lệ.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Cộng hòa Cuba.

Tháng 4-2011, Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua đường lối kinh tế - xã hội mới của đất nước với 311 nội dung của quá trình “cập nhật hóa mô hình kinh tế”, chính thức hóa các biện pháp cải cách kinh tế đã và đang áp dụng; bổ sung thêm một số biện pháp mới.

Cuba đã triển khai chính sách đối ngoại năng động, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Cuba cũng đã từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình mới nhằm đa dạng hóa, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latinh - Caribê. Cuba đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ (20-7-2015) và EU (ngày 11-3-2016); đón Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 3-2016; tăng cường quan hệ với các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...; chủ động tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.

Chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.

Hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hiệp quốc.

Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển khi lãnh đạo cấp cao hai Đảng và Nhà nước thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau.

Nổi bật gần đây có các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 8 đến 12-4-2012); của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2014); của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9-2015) và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (tháng 2-2003), Chủ tịch Raul Castro (tháng 7-2012), Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz Canel (tháng 6-2013) và nhiều đoàn cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng khác của Cuba.

Việt Nam - Cuba học tập kinh nghiệm lẫn nhau

Việt Nam và Cuba đã chủ động vừa tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại, vừa bổ sung phát triển sự hợp tác kinh tế song phương với nội dung, cơ chế, hình thức mới phù hợp với những cải cách kinh tế ở cả hai nước, vừa tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, vừa nâng cao tính hiệu quả của các chương trình hợp tác.

Trao đổi thương mại gần đây ở mức trên dưới 200 triệu USD/năm. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba chủ yếu gồm gạo, hàng tiêu dùng và nhập của Cuba sản phẩm sinh học, thuốc chữa bệnh…

Về hợp tác nông nghiệp, Dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2011 - 2015 đạt kết quả tích cực; các dự án hỗ trợ Cuba sản xuất bắp, đậu tương và nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và hiện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2; hai bên tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp - thủy sản khác trong thời gian tới. 

Đặc biệt, những đổi mới về chính sách quản lý kinh tế, môi trường đầu tư đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cuba, trong các lĩnh vực: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng, năng lượng; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thương mại...

Sự củng cố và phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Cuba là một trong những nhân tố góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước trong những năm qua.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam và quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba đã tạo tiền đề, tương tác và bổ sung lẫn nhau trên cả bình diện lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top