Phát triển du lịch, dịch vụ ở Điện Biên

Nhiều khó khăn cần vượt qua

00:00 - Thứ Hai, 13/04/2015 Lượt xem: 836 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, du lịch Điện Biên phát triển nhanh, mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ du lịch ở một số điểm chưa theo kịp đòi hỏi thực tế. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các chương trình kế hoạch để cải thiện tình trạng trên, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch dịch vụ…

Điện Biên đang bước vào mùa du lịch 2015 với hàng loạt sự kiện được tổ chức quy mô lớn, nhỏ; thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đến các khu di tích, các địa điểm công cộng những ngày này có thể dễ dàng gặp nhiều đoàn khách từ các nơi đến tham quan. Và nếu hỏi về cảm nhận của mình thì ý kiến đánh giá của du khách cũng khá đa dạng: khen cũng nhiều và băn khoăn xung quanh việc quản lý, bảo vệ, chất lượng dịch vụ cũng không phải là ít. Anh Ma Thế Dụ, tổ 7A, phường Đức Xuân, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ: Lần đầu đến Điện Biên, tôi thấy người dân thân thiện, mến khách; nhưng việc quản lý, quy hoạch một số khu di tích chưa tốt; dẫn đến người bán hàng lưu niệm làm phiền du khách. Bên cạnh đó, các mặt hàng lưu niệm nghèo nàn, không có nhiều sản phẩm mang dấu ấn riêng của Điện Biên…

Trao đổi về thực tế trên, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTT&DL, cho biết: Quý I/2015, Điện Biên đón trên 102.000 lượt khách du lịch; trong đó, 17.450 khách quốc tế, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2014, khiến thu nhập từ du lịch cũng giảm 0,6%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó một phần do sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch khiến du khách chưa thực sự hài lòng. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại các khu di tích chưa tốt, nhất là điểm bán quà lưu niệm, vẫn còn tình trạng chèo kéo khách. Bên cạnh đó, chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm thể hiện được nét đặc trưng của mảnh đất và con người Điện Biên. Các sản vật từ thiên nhiên, như: Mật ong, sâu chít, các loại cây, lá thuốc của đồng bào dân tộc… đóng gói sơ sài, không rõ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cũng khiến cho du khách e ngại khi mua. Đặc biệt, vấn đề cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể là hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các khu di tích, vừa thiếu vừa không đảm bảo vệ sinh, làm du khách thấy rất bất tiện. Tuyến đường nối TP. Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng còn nhiều bất cập; xe khách loại trên 50 chỗ ngồi không vào được, khiến nhiều đoàn lớn phải chia nhỏ hoặc hủy chương trình tham quan.

Du khách tham quan tại khu di tích Đồi A1. Ảnh: Hà Linh

Một “điểm trừ” nữa khiến du khách chưa hài lòng về du lịch Điện Biên đó là chất lượng các dịch vụ du lịch. Mặc dù cơ sở vật chất của nhà hàng, khách sạn được đầu tư nâng cấp sang trọng, hiện đại; nhưng đội ngũ nhân viên lại thiếu chuyên nghiệp, từ giao tiếp đến tác phong làm việc.

Các bản văn hóa là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến thưởng thức và trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Nhưng cảm nhận chung của du khách khi về các bản văn hóa là người làm du lịch mới chỉ dừng lại ở mức độ thân thiện, hiếu khách chứ chưa thực sự biết cách làm vừa lòng khách. Ngoài ra, còn một số cá nhân làm du lịch theo kiểu chộp giật, tự ý nâng giá để “chặt chém” du khách cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Điện Biên.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Năm, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành VHTT&DL đã đề ra nhiều giải pháp; trong đó chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, trùng tu tôn tạo các di tích gắn liền với các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, phát triển đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề. Đối với các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, bản văn hóa… ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lễ tân, nhân viên. Ông Nguyễn Văn Năm cho biết thêm: Hiện nay, Sở VHTT&DL xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh phát triển thêm 11 bản văn hóa của các dân tộc: Mông, Khơ Mú, Hà Nhì… để làm phong phú loại hình du lịch cộng đồng. Đồng thời, sở đang xúc tiến thành lập Hiệp hội Du lịch Điện Biên để quản lý, bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh cũng như khách du lịch đến với Điện Biên.

Với những nỗ lực khắc phục tồn tại hạn chế và triển khai các chương trình kế hoạch mới, hy vọng trong thời gian không xa việc phát triển du lịch dịch vụ sẽ đạt nhiều thành công hơn nữa; xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Để du lịch dịch vụ luôn là ngành công nghiệp “không khói” có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top