Công tác thuyết minh, hướng dẫn du lịch

Góp phần giáo dục lòng tự hào

09:27 - Thứ Năm, 01/12/2016 Lượt xem: 3791 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng (năm 2016) nêu rõ: “Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao... Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam... Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”...

Cơ chế... mở rộng hơn

Với tinh thần ấy, để triển khai thực hiện, theo bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Bảo tàng CTĐBP) - cho biết: Với bất kỳ địa phương nào cũng vậy, yếu tố quan trọng nhất để du lịch phát triển, đó là con người. Tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), ghi: “Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có hơn 7.400 hướng dẫn viên (HDV) nội địa; trên 9.900 HDV quốc tế. Số lượng này chỉ đáp ứng được lần lượt 15% và 40% nhu cầu thực tế. Mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường (60% là hệ đại học); nhưng chỉ 5% của hệ đại học, 30% hệ cao đẳng, trung cấp ra trường làm việc gắn với ngành học. Vì vậy, để đáp ứng yêu càu thực tế, theo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, quy định mới là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay.

Một điểm mới của dự án Luật Du lịch (sửa đổi) là điều chỉnh yêu cầu trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên theo chương trình du lịch, từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch xuống trình độ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Nói cách khác, chỉ cần sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp ngành hướng dẫn viên du lịch, là được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên. Ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch cần phải chủ động trong việc phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch, các cơ quan hoạch định chính sách, có nhiều hoạt động, giải pháp để góp phần phát triển đội ngũ hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, phát triển của ngành du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thể, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

 

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. 

Giải pháp về nguồn nhân lực

Với Điện Biên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực hiện có của ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tại Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, với tổng số 110 biên chế; trong đó: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điên Biên Phủ tổng số: 85 người, số cán bộ làm công tác thuyết minh tuyên truyền là 12 người (trong đó, trình độ đại học 7 người (đúng chuyên ngành 3, không đúng chuyên ngành 4); trình độ cao đẳng 4 người (đúng chuyên ngành 1; không đúng chuyên ngành 3); trình độ trung cấp 1 người. Bảo tàng tỉnh tổng số 25 người; số cán bộ làm công tác thuyết minh tuyên truyền là 3 người; trong đó trình độ đại học 1 người (ngành lịch sử); trình độ cao đẳng 1 người (ngành sư phạm); trình độ chuyên môn trung cấp du lịch 1 người.

Ông Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên - cho biết: Hàng năm, căn cứ vào nguồn kinh phí được cấp, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh nói chung và cơ quan Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, tổ chức một số lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ thuyết minh viên và hướng dẫn du lịch trong tỉnh. Tuy nhiên, trước sự gia tăng lượng khách du lịch lên Điện Biên và nhất là đòi hỏi ngày càng cao của du khách về kiến thức khi tham quan, khám phá, thì còn nhiều vấn đề đặt ra và đặt ra một cách khá gay gắt trên thị trường du lịch tỉnh ta. Tại các cơ sở kinh doanh lữ hành và 2 đơn vị Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bảo tàng tỉnh, cần thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, sát hạch để phân loại, đánh giá chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, để bố trí sắp xếp luân chuyển cán bộ từ nguồn nhân lực hiện có trong ngành.

Việc nghiên cứu xây dựng chương trình tham quan thống nhất, cần có sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý các di tích, di sản với các trung tâm lữ hành du lịch để du khách được giới thiệu theo một “lộ trình” nhất định và có thể dễ dàng nhận ra đâu là điểm “bắt đầu” và đâu là điểm “kết thúc”. Ngoài ra, việc xây dựng mối liên hệ với doanh nghiệp du lịch để cập nhật thông tin về nhu cầu và phản hồi của khách, còn nhằm mục đích nâng cao chất lượng điểm đến hướng tới sự hài lòng của du khách để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Điện Biên. Đồng thời, đó cũng là cách để khách quay lại Điện Biên những lần sau.

Tại các điểm du lịch và các điểm di tích lịch sử cần phải xây dựng được “chính sách công chúng” hay nói cách khác là phân loại công chúng theo các nhóm, địa phương hay quốc tế, theo trình độ, theo tuổi tác, theo nhu cầu để từ đó có chương trình tham quan cho phù hợp. Mặt khác, chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tài liệu có liên quan đến các di tích lịch sử, các điểm du lịch, tổ chức những buổi hội thảo khao học, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, khai thác thông tin bổ sung cho nội dung các bài thuyết minh phong phú, hấp dẫn hơn. Xây dựng các đề án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, tổ chức những chuyến tham quan học hỏi ở các đơn vị Bảo tàng chuyên ngành cùng loại hình như: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phòng không không quân, Viện Nghiên cứu lịch sử...

 

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, “điểm đến” quen thuộc của khách du lịch trong và ngoài nước.

Giải pháp về chính sách đãi ngộ

Bên cạnh những giải pháp về nguồn nhân lực và công tác quản lý, đề nghị ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch nghiên cứu, xem xét các chính sách đãi ngộ như: Chế độ bồi dưỡng làm việc ngoài giờ, chế độ khen thưởng thích đáng. Bởi công tác hướng dẫn, thuyết minh tuyên truyền là công việc hết sức vất vả, phải di chuyển liên tục ngoài trời trong mọi điều kiện thời tiết, không có thời gian nghỉ ngơi và tiếp xúc với nhiều đối tượng khách tham quan. Hướng dẫn viên và thuyết minh viên phải thật sự tâm huyết với nghề và sức khỏe tốt để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ; trong khi đó ngoài lương, hiện nay các hướng dẫn viên và thuyết minh viên không có bất kỳ khoản phụ cấp nào, dù nhỏ. Để động viên họ cống hiến hết mình, chúng ta cần có chế độ hỗ trợ, khuyến khích cụ thể hàng ngày, hàng tháng, hàng quý tại các đơn vị trực tiếp quản lý. Quan tâm việc đầu tư các trang thiết bị phụ trợ như loa, micrô, trang phục... để các hướng dẫn viên, thuyết minh viên có điều kiện thể hiện lời thuyết minh sao cho truyền cảm, hấp dẫn nhất.

Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện có nền nếp quy chế, quy định đối với đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh (về phát ngôn, quy tắc ứng xử, về trang phục khi làm nhiệm vụ...) để từ đó mỗi hướng dẫn, thuyết minh viên sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chức trách nhiệm vụ được giao. Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền, đó là khuyến khích lòng nhiệt tình, say mê công việc, ý thức nghề nghiệp của mỗi thuyết minh viên tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Các đơn vị quản lý nên tổ chức các cuộc thi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ theo định kỳ 1 năm, 2 năm để từ đó có chế độ khen thưởng động viên, khuyến khích kịp thời, thích đáng.

Trong bối cảnh chung của chủ trương đẩy mạnh, phát triển kinh tế văn hóa - xã hội của tỉnh Điện Biên, vấn đề phát huy hiệu quả của từng hoạt động trong mọi lĩnh vực là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt trong việc khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, nếu được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn đối với việc thu hút du khách đến Điện Biên thông qua hoạt động hướng dẫn du lịch, góp phần giáo dục truyền thống tự hào về mảnh đất - con người trên địa bàn Điện Biên Phủ lịch sử...

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top