Địa danh câu chuyện dài và vô cùng thú vị (bài 1)

08:54 - Thứ Năm, 12/01/2017 Lượt xem: 4833 In bài viết
Bài 1: Vậy là sau gần 4 năm kể từ Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh, về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên, ngày 14/08/2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh ra Quyết định số 710/QĐ-UBND, về việc Ban hành Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Về nguyên tắc, như vậy là tỉnh ta đã có một “kho” tên đất (địa danh), nhờ sự nỗ lực của nhiều người, nhiều ngành...

Trên tờ “Công báo Điện Biên” (số 28, ngày 29/10/2011), Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh, cho thấy Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên gồm các đồng chí lãnh đạo đại diện cho 4 ngành chức năng trong tỉnh (Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Sở Giáo dục - Đào tạo). Bên cạnh đó là các chuyên gia đến từ các cơ quan, đơn vị chuyên môn tại Hà Nội, gồm: Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; Trung tâm dữ liệu Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; Trung tâm Biên tập và Công nghệ cao - Bộ Tài nguyên và Môi trường;  Hội Trắc địa Bản đồ địa thám Việt Nam (chuyên gia ngôn ngữ Trung ương) và các giáo sư của Viện Hán Nôm thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo (chuyên gia ngôn ngữ Trung ương). Ngoài ra, để thêm phần chắc chắn và với tinh thần cầu thị, Hội đồng mời thêm 4 thầy giáo nghỉ hưu đã khá lâu, là những người từng nhiều năm tham gia giảng dạy tiếng Thái hoặc tiếng Mông tại các cơ sở giáo dục - đào tạo trong tỉnh; đó là ông Lò Văn Thâng - nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuần Giáo (tư vấn tiếng Thái); ông Cà Minh Sương - nguyên giáo viên Trường THPT huyện Điện Biên (tư vấn tiếng Thái); ông Đinh Văn Mâu - nguyên giáo viên Trường THPT huyện Tủa Chùa (tư vấn tiếng Mông) và ông Nguyễn Duy Tiến - nguyên cán bộ Trường Bổ túc Văn hóa tỉnh Lai Châu (cũ), nguyên giáo viên Trường THPT huyện Tủa Chùa (tư vấn tiếng Mông).

 

Noong Nhai, một địa danh đã đi vào tiềm thức không chỉ người Điện Biên.

Theo Quyết định 76/QĐ-UBND ngày 12/2/2014 của UBND tỉnh, về thành lập Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh, thì Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch là cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn, có trách nhiệm tổng hợp để xây dựng ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh. Điều 2 của Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 14/08/2015, cho thấy Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị, ý nghĩa của việc ban hành Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Định kỳ 2 năm một lần tổ chức sưu tầm, lựa chọn tên để bổ sung vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng. Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; các tổ chức, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ quản lý các tuyến đường, phố, công trình công cộng có trách nhiệm nghiên cứu, lựa chọn dữ liệu trong Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng đã được UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành đặt tên, đổi tên theo trình tự, thủ tục quy định.

Nghiên cứu kỹ nội dung Quyết định 710/QĐ-UBND, chúng ta thấy việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế; trên cơ sở Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch). Nội dung của “Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng” Điện Biên chia làm hai phần: Phần A gồm: Đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên trên địa bàn tỉnh Điện Biên; phần B gồm: Dữ liệu Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Điện Biên với các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu và một số địa danh tiêu biểu của đất nước; các sự kiện lịch sử, cách mạng tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam; các địa danh lịch sử, cách mạng, di tích, danh thắng, danh nhân, cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng tỉnh Điện Biên; các sự kiện, địa danh, các anh hùng trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; các danh nhân, tướng lĩnh tiêu biểu và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Điện Biên...

Về mặt lý thuyết, theo từ vựng, địa danh thuần túy chỉ là “tên đất”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người hiểu địa danh gồm cả các tên biển, hồ, sông, suối, ngòi, lạch, thác nước... Đó chính là tên nước (thủy danh), chẳng hạn: Hồ Huổi Phạ, hồ Pe Luông, hồ Hồng Khếnh... sông Đà, sông Nậm Rốm, sông Nậm Mức... suối Hai Nọi (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên), suối Hin Phon (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên), suối Nậm Phăng (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên)... Bên cạnh đó là hệ thống các sơn danh (tên núi, đèo, đồi, gò, bãi...) vô cùng phong phú, với Điện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung. Đó là, chẳng hạn như: Núi Pú Đồn (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), núi Tạo Nòn (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên), núi Co Nghịu (xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên)...; về đèo có: Đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên và huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), đèo Tằng Quái (huyện Mường Ảng), đèo Ngam Hái (thị xã Mường Lay)...; về đồi có: Đồi bản Kéo (phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ), đồi Độc Lập (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên), đồi Thông (phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ)...

Như vậy, chúng ta thấy cùng là các tên đồi (sơn danh), trong khi đồi bản Kéo là tên gọi theo một đơn vị dân cư cụ thể (bản Kéo), thì đồi Độc Lập lại là tên gọi riêng biệt hình thành sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, còn tên gọi đồi Thông chỉ căn cứ vào một đặc điểm nổi bật vì khu đồi ấy trồng nhiều loài cây mà trong Danh lục Việt Nam là “gỗ thông”. Cần lưu ý: Cách đặt tên căn cứ vào một đặc điểm nổi bật chính là điểm chung nhất, thông dụng nhất ở các tỉnh miền núi nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Bạn đọc nào quan tâm, xin hãy bỏ công tìm hiểu qua các tên gọi rất dân dã: Bản Mển (con nhím), Mường Lay (mường đuổi), Pá Khoang (rừng trúc), Nà Tấu (ruộng rùa), Him Lam (đá đen), Mường Ảng (mường khoe), Noong Bua (ao sen), Noong Luống (ao rồng), Noong Nhai (ao vỡ), Noong Pết (ao vịt), Tẩu Pung (quả bầu), Tông Khao (đồng trắng), Co Mị (cây mít)...

Tìm hiểu các tên gọi (địa danh, sơn danh, thủy danh...) có sẵn hàng bao đời nay ở tỉnh Điện Biên nói riêng và tỉnh Lai Châu cũ nói chung, chúng ta thấy không chỉ đa dạng, phong phú mà quả thật vô cùng lý thú và trong nhiều trường hợp rất khó có thể kiến giải một cách tường tận, ngọn nguồn, chính xác. Trong khi hầu hết các tên gọi ở miền núi đặt theo tiếng Thái như một bằng chứng cho kết luận về ảnh hưởng của văn hóa Thái, thì tại huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu hiện nay), có xã biên giới Dào San và đây là tên gọi bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc Dao. Theo đó, Dao phát âm “nặng” hơn một chút thành “Dào”, còn “San” nguyên nghĩa là núi (trong “san = sơn” (Nôm - Dao), tương tự như Trường Sơn - núi dài). Dào San có nghĩa là vùng núi mà trước đó người Dao đã khai phá và như vậy, viết Giào San chẳng những không chính xác về mặt chính tả mà hơn nữa, không thể hiện hết cái thâm ý của mục đích đặt tên, đó là sự khẳng định công lao khai phá của người đến trước.

Cũng tại huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) có cửa khẩu Ma Lù Thàng nằm ở cuối quốc lộ 12, trên biên giới Việt - Trung, do Đồn biên phòng 297 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu) quản lý. Ma Lù Thàng là tên gọi của người Dao, phiên âm tiếng Quan Hỏa là “Kim Thủy Hà”, tức dòng sông mang theo những quặng vàng. Nếu tên gọi Dào San nhằm xác lập chủ quyền cư trú (thổ cư) và canh tác, thì tên gọi Ma Lù Thàng chỉ đơn giản mô phỏng một đặc tính nổi bật nhất của dòng chảy tự nhiên. Tại thị xã Mường Lay, có tên gọi bản Bắc (xã Lay Nưa) lại có hang bản Bắc; tương tự thế, tại huyện Tủa Chùa có xã Xá Nhè lại có động Xá Nhè, tại huyện Điện Biên có xã Pa Thơm lại có động Pa Thơm. Trên địa bàn huyện Điện Biên, xã Pa Thơm có bản Pa Xa Xá lại có bản Pa Xa Lào; xã Noong Hẹt có thôn Hoàng Công Chất thì xã Thanh An cũng có thôn Hoàng Công Chất... Đó là những sự trùng lặp, dễ dãi không những không cho thấy cảm giác thú vị mà ngược lại, gây sự khó khăn, nghèo nàn... trong giao tiếp, nhất là với khách tham quan, du lịch...

(Đón đọc kỳ 2)

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top