Chương trình “Năm du lịch quốc gia 2017”

Đưa Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn

08:40 - Thứ Tư, 08/02/2017 Lượt xem: 3460 In bài viết
ĐBP - Với chủ đề: “Sắc màu Tây Bắc” (Northwest Colors), năm Du lịch 2017 các tỉnh Tây Bắc là sự kiện mang tầm cỡ quốc gia. Ngoài địa điểm tổ chức chính là tỉnh Lào Cai, các hoạt động trong khuôn khổ “Năm Du lịch quốc gia 2017” còn được diễn ra hoặc đồng thời hoặc lần lượt tại 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Điện Biên chúng ta...

Mặc dầu là “Năm Du lịch quốc gia 2017” nhưng theo thông báo của Ban tổ chức, các sự kiện sẽ diễn ra từ trung tuần tháng 9/2016 đến hết năm 2017. Như vậy, “Năm Du lịch quốc gia 2017” nếu tính chi li, về mặt thời gian kéo dài gần 16 tháng; về mặt không gian, trải rộng trên một phạm vi 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Như đã ấn định, Lễ khai mạc và công bố “Năm Du lịch quốc gia 2017” sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 11/2/2017 (tức rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu) gắn với Lễ hội Xuân Đền Thượng, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Nói Lễ hội Xuân Đền Thượng e rằng không nhiều người biết, nhất là với những ai không cư trú tại thành phố Lào Cai; nhưng nếu nói Lễ hội Xuân đền thờ Trần Hưng Đạo, thì có lẽ nhiều người am tường hơn. Sử sách từng lưu: Vào thế kỷ XIII, giặc Nguyên - Mông ba lần xâm phạm bờ cõi nước ta, cả ba lần Trần Hưng Đạo đều được triều đình cử làm tướng cầm quân đánh giặc. Ghi nhận công lao, nhà vua đã phong cho ông tước danh cao quý nhất: “Đại Vương” (vua lớn); trong khi dân gian coi ông là một trong ba vị “thánh” của nước ta, là: Đức thánh Tản, Đức thánh Gióng và Đức thánh Trần (tức Trần Hưng Đạo). Là nhà chiến lược lớn nhất thời Trần, Trần Hưng Đạo không chỉ có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn, mà còn nổi tiếng về ý chí đấu tranh giữ gìn sự vẹn toàn cương thổ và nền độc lập quốc gia. Câu nói bất hủ của ông là: “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”...

 

Trên hành trình du lịch Điện Biên, nhiều năm qua di tích lịch sử đồi A1 là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan đồi A1. Ảnh: Văn Thành Chương

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của “Năm Du lịch quốc gia 2017”, trong chuỗi hoạt động văn hóa - du lịch diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, khá khen cho ai nghĩ ra các tiêu đề rất khơi gợi và mang đậm chất văn hóa, đó là: Giải đua ngựa truyền thống “Vó ngựa cao nguyên trắng” tại cao nguyên Bắc Hà vào tháng 6/2017; Lễ hội mùa Thu gắn với Ngày hội trên ruộng bậc thang Bát Xát và Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế cúp Ô Quý Hồ lần thứ III, vào tháng 10/2017 (đường đua: Thành phố Lào Cai - Bát Xát - Sa Pa); Lễ hội mùa Đông - Sa Pa bắt đầu từ Lễ Noel 2016 đến hết năm 2017; Chương trình “Cung đường trà đạo”, thời gian diễn ra trong quý II/2017 tại tỉnh Lai Châu; Hành trình về nguồn trong quý II/2017 (gắn với dịp Giỗ tổ Hùng Vương và chương trình về miền Lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm Đinh Dậu), tại tỉnh Phú Thọ; Lễ hội trà Mộc Châu tại tỉnh Sơn La, vào tháng 3/2017...

Với tỉnh Điện Biên, theo kế hoạch, ngoài Lễ hội Đua thuyền Đuôi én đã diễn ra đầu năm dương lịch 2017 tại thị xã Mường Lay, còn giải Việt dã chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, thời gian vào tháng 10/2017, tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đặc biệt là Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch với sự tham gia của diễn viên và vận động viên 4 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia, thời gian từ ngày 6 đến ngày 7/5/2017 (dịp kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ). Còn nhớ cách đây 3 năm, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014), sáng ngày 13/3/2014 tại Khách sạn Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ), đã long trọng diễn ra Hội thảo “Phát huy giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong mối liên kết với vùng Tây Bắc”, do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên đồng tổ chức. Tại đây, thêm một lần các vấn đề của du lịch Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung được bàn thảo, thông qua các bản tham luận...

Như mọi người đều biết: Chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng được ký kết lần đầu tiên tại Sa Pa (Lào Cai) vào tháng 11/2008; dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo đó, 8 tỉnh trong vùng Tây Bắc, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, thúc đẩy tăng trưởng chung ngành du lịch của cả khu vực. Gần 9 năm qua, trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản đã xác định: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý phát triển du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch... rất nhiều hội nghị sơ - tổng kết, cùng các hội thảo do các nhóm tỉnh hoặc toàn vùng thay nhau đăng cai tổ chức; dưới những tên gọi được xem là các “sáng kiến” làm nên duyên cớ cho các cuộc gặp gỡ: Xây dựng “Thương hiệu du lịch Tây Bắc”, Tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, Chương trình “Du lịch về nguồn”, Chương trình du lịch “Qua miền Tây Bắc”, Hội thảo “Tăng cường hoạt động du lịch khu vực biên giới” 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và gần đây nhất là Hội thảo “Phát huy giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Điện Biên Phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên trong mối liên kết với vùng Tây Bắc”.

Nhận thức rõ vai trò, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương, năm 2013 Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Song song với công tác bảo tồn đối với di sản văn hóa, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị để có đủ điều kiện đón đồng bào, đồng chí trong cả nước và bè bạn thế giới về thăm Điện Biên Phủ, thăm lại di tích lịch sử chiến trường xưa và tưởng niệm những con người vì chiến tranh đã nằm lại trên mảnh đất thiêng liêng này.

Là một thành viên trong “đại gia đình Tây Bắc”, những năm qua du lịch Điện Biên đã gặt hái những kết quả thật đáng ghi nhận. Các con số về tăng trưởng du lịch từng năm đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong nỗ lực bền bỉ, “Năm Du lịch quốc gia 2017” được xem là cơ hội tốt để các tỉnh nói chung và Điện Biên nói riêng tuyên truyền và quảng bá những hình ảnh, những nét lịch sử - văn hóa độc đáo với du khách trong nước và quốc tế. Từ đó đưa Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn với những hình ảnh đẹp, thân thiện, đa dạng và giàu bản sắc, như tinh thần của “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006-2020”, ngày 13/10/2006, do Thủ tướng Chính phủ ban hành...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top