Xây dựng phương án trưng bày làm nổi bật vai trò, chức năng của Bảo tàng tỉnh

09:45 - Thứ Năm, 23/02/2017 Lượt xem: 3587 In bài viết
ĐBP - Bảo tàng tỉnh hiện nằm trong khuôn viên cơ sở II của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa bàn tổ dân phố 9, phường Mường Thanh, T.P Điện Biên Phủ. Đơn vị có nhiệm vụ quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh (ngoài quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ) và nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày những mẫu vật thiên nhiên, di vật và giá trị phi vật thể văn hóa - xã hội từ thời tiền sơ sử cho đến nay. Song thực tế hiện nay Bảo tàng vẫn là điểm ít được người dân biết đến, lượng du khách tham quan hàng năm còn khá khiêm tốn… Do đó xây dựng phương án trưng bày làm sao hiệu quả và phù hợp để quảng bá, “hút” du khách là việc làm cần thiết.

Bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: Năm 2004 Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được chia tách thành Bảo tàng Dân tộc tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sau đó 4 năm, Bảo tàng Dân tộc tỉnh đổi tên là Bảo tàng tỉnh cho đến nay. Trải qua nhiều năm xây dựng, phát triển, Bảo tàng tỉnh xếp loại III, đang bảo tồn, lưu giữ hơn 4.000 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh. Trong số những hiện vật, tài liệu đó có không ít hiện vật đã từng hiện hữu trên mảnh đất Điện Biên vào những thời điểm xã hội Việt Nam trải qua đầy biến động, như: Hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và những ngày đầu Điện Biên mới giải phóng đi lên xây dựng CNXH. Bên cạnh văn hóa vật thể, Bảo tàng tỉnh đã và đang nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc làm này nhằm mục đích “gạn đục khơi trong” kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc, loại bỏ những hủ tục, áp dụng tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống cộng đồng.

Có nhiệm vụ, vai trò quan trọng là vậy, song thực tế những năm qua, lượng khách du lịch đến Bảo tàng tỉnh rất khiêm tốn. Năm 2016, Bảo tàng đón 750 khách tham quan, trong đó có khoảng 30 lượt khách là người nước ngoài (tăng 2,5% so với năm 2015). Trong khi đó Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 2016 đón trên 311.000 lượt khách tham quan. Một trong những lý do là địa điểm Bảo tàng tỉnh đóng chân rất ít người biết, ngay đối với người địa phương.

Trước thực trạng trên, nhằm khai thác, phục vụ khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội và đặc biệt là du lịch của tỉnh phát triển, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng phương án trưng bày. Phương án phải đảm bảo hệ thống trưng bày thể hiện sự gắn bó giữa lịch sử đấu tranh và phát triển của tỉnh với lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời nêu bật những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của các dân tộc anh em trên địa bàn; lựa chọn những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, nội dung phong phú đảm bảo tính chính xác, chân thực đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong nước và quốc tế. Hình thức trưng bày cũng cần đảm bảo nguyên tắc khoa học, tính chân thực và giáo dục cao, vừa mang tính dân tộc, vừa hiện đại... Sau thời gian khẩn trương thực hiện, đến nay Bảo tàng tỉnh đã hoàn thiện đề cương nội dung trưng bày. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị đã tiến hành chỉnh sửa nội dung đề cương trưng bày. Phương án đưa ra là kết hợp nghiên cứu và sưu tầm, xây dựng, sưu tập hiện vật đáp ứng đủ cho yêu cầu trưng bày, gắn xây dựng nội dung trưng bày với nhiệm vụ thiết kế nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh. So với phương án trưng bày cũ chưa khoa học, nhiều hiện vật đặt sát nhau gây rối mắt thì phương án trưng bày mới chia làm 4 phần: Thiên nhiên Điện Biên, Điện Biên trong lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh, Điện Biên hôm nay và tương lai. Trong số hơn 4.000 hiện vật, tài liệu sẵn có, Bảo tàng tỉnh sẽ chọn lọc ra những hiện vật, tài liệu tiêu biểu, điển hình để trưng bày. Đặc biệt tránh trưng bày quá nhiều hiện vật sẽ khiến người xem có cảm giác nhàm chán, mất phương hướng. Ngoài ra, nhằm tăng hiệu quả trưng bày, giúp người xem dễ hiểu hơn về hiện vật, tài hiệu, đơn vị cũng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại, như: Thiết bị chiếu sáng, thiết bị trưng bày, thiết bị âm thanh, nghe nhìn, bảo quản hiện vật.

Hy vọng phương án trưng bày trên sẽ sớm đi vào hiện thực, từ đó góp phần đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục và du lịch được đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước biết đến.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top