“Phượt” thế nào cho đúng?

10:25 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 5080 In bài viết
ĐBP - Du lịch “bụi” hay đi “phượt” đã trở thành một hình thức du lịch, khám phá phổ biến của giới trẻ hiện nay. Điện Biên - miền đất cực tây Tổ quốc với những nét đặc sắc về lịch sử, văn hóa, cảnh quan địa mạo… là địa chỉ thu hút của những người ưa khám phá, tìm hiểu. Vấn đề cần bàn ở đây là “phượt” đến Điện Biên nói riêng hay các vùng đất tươi đẹp khác của đất nước nói chung thế nào cho đúng, mang ý nghĩa, hiệu ứng tích cực cho cả du khách và vùng đất họ đến.

“Phượt thủ” quảng bá cho du lịch địa phương 

Bản chất của khái niệm “phượt” là những chuyến đi, những “phượt thủ” (người đi phượt) lên đường với hành trang đơn giản, ngẫu hứng, đôi khi không có sẵn lịch trình, không người dẫn đường, không dịch vụ rườm rà, chỉ đi bằng sự tò mò, lòng đam mê trải nghiệm, khám phá. Chính tính chất có phần bộc phát này của giới trẻ lại mang đến những hiệu ứng không ngờ cho một vùng đất, cảnh quan nào đó. Minh chứng điển hình là cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang - một địa chỉ đang thu hút rất nhiều du khách, cả “phượt” lẫn khách du lịch theo tour “chính quy”. Ban đầu hoa tam giác mạch Hà Giang trước đây đơn thuần chỉ mọc trên chỗ đất bạc màu, nhiều đá, không canh tác được. Mỗi dịp thu về, tam giác mạch bung nở, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoang sơ và những phượt thủ là những người khám phá ra đầu tiên. Đến thời điểm này, khu du lịch cánh đồng hoa tam giác mạch đã mang lại những lợi ích cho ngành du lịch, dịch vụ mà ngay chính quyền địa phương và người dân cũng không ngờ tới. Từ những vạt hoa tam giác mạch khô cằn, nay đã có thêm các sản phẩm bánh từ hạt tam giác mạch, rượu tam giác mạch... rồi đỉnh cao là Lễ hội Hoa tam giác mạch. Để đạt được những thành quả đó, tất nhiên là từ những định hướng nhanh nhạy, phù hợp của địa phương nhưng có thể khẳng định, không một nhà quản lý hay doanh nghiệp nào dám “vỗ ngực” nhận khai phá ra tiềm năng du lịch này, mà chính là những phượt thủ.

 

Một góc chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa.

Nói về tỉnh ta, với những đặc thù về địa bàn, hạ tầng còn khó khăn, giao thông cách trở, nhiều người muốn đến một lần nhưng khi nghe đến sự xa cách đằng đẵng của quãng đường thường e ngại, đắn đo... Nhưng giới “phượt” thì không. Ngay như địa điểm mốc biên giới không số khu vực A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé - nơi ngã 3 biên giới “một con gà gáy, 3 nước nghe thấy” cách TP. Điện Biên Phủ 260km với nhiều đèo dốc vẫn là điểm đến hàng đầu của các phượt thủ. Theo thống kê của Đồn Biên phòng A Pa Chải, trên 80% du khách đến Đồn đăng ký lên mốc là các đoàn “phượt”, họ đến không chỉ là khám phá mà còn để cảm nhận, tự hào khi được đạt chân đến cực Tây Tổ quốc. Không chỉ có vậy, với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, trên rất nhiều diễn đàn của giới phượt, hình ảnh Điện Biên với hoa ban, hoa dã quỳ, cánh đồng Mường Thanh, chợ phiên A Pa Chải (huyện Mường Nhé), chợ phiên Xá Nhè, Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa)... được cộng đồng chia sẻ rộng rãi, góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa Điện Biên đến mọi miền, cả trong và ngoài nước.

“Phượt” sao cho đúng?

Năng động, chuyển động là xu hướng của thời đại, nhất là giới trẻ, loại hình du lịch “phượt” mang một vai trò văn hóa, xã hội trong đó. Nhưng “phượt” làm sao để thể hiện được đúng phẩm chất đi đầu, xung kích nhưng không làm xấu đi hình ảnh của tuổi trẻ, hình ảnh của những vùng đất đi qua, không tổn hại đến sức khỏe, công việc… là những điều cần xem xét, lựa chọn. Đã có không ít những vụ việc ảnh hưởng đến bản chất tích cực của “phượt”. Ngay như tại Điện Biên, hình ảnh phượt thủ bẻ cả một vạt hoa dã quỳ ven đường để chụp ảnh tại địa điểm được xác định là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé vào tháng 11/2016 đã khiến không ít cư dân mạng bức xúc về sự phản cảm. Hay như gần đây, với sự phát triển về kinh tế - xã hội, thành viên nhiều nhóm “phượt” có đủ tiềm lực để mua những chiếc mô tô phân khối lớn nhưng việc tham gia giao thông sao cho đúng luật, văn minh cũng là một yếu tố cần định hướng. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) chia sẻ: Lực lượng CSGT Điện Biên luôn ủng hộ phát triển du lịch của tỉnh nói chung, trong đó có hình thức du lịch “phượt”. Ngoài việc đảm bảo giao thông, cán bộ, chiến sỹ đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện hướng dẫn, chỉ đường tận tình khi du khách có nhu cầu. Tuy nhiên, cũng có những sự việc từ các đoàn “phượt” khiến lực lượng CSGT phải can thiệp, nhắc nhở. Đơn cử như dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, khi đang trực ở đơn vị, tôi nhận được điện của lãnh đạo Công an tỉnh thông báo: một đoàn xe phân khối lớn có dấu hiệu vi phạm giao thông tại quốc lộ 12, địa phận đèo Cò Chạy (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên). Ngay sau đó, đội tuần tra giao thông của đơn vị đã có mặt, tiếp cận đoàn xe. Qua kiểm tra, được biết đây là đoàn “phượt” từ Hà Nội lên Điện Biên du lịch, do đặc điểm của mô tô phân khối lớn có tiếng máy nổ lớn, một vài thành viên còn vê ga, nẹt pô... đã gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Cán bộ đội tuần tra đã nghiêm túc nhắc nhở sau khi kiểm tra giấy tờ theo quy định.

Ngoài những sự việc liên quan đến văn hóa, trật tự giao thông… thì lối sống, mối quan hệ xã hội của giới trẻ đi “phượt” cũng cần được chấn chỉnh. Qua tìm hiểu, tại Điện Biên cũng có những nhóm, câu lạc bộ “phượt”. Nhưng khi được hỏi, một số thành viên không rõ ràng về mục đích tham gia, đơn giản chỉ đi cho vui hoặc tụ tập là chính. Đây là quan điểm rất tiêu cực và nguy hiểm khi những cá nhân xấu thu hút, tập hợp thành một cộng đồng xấu, đi “phượt” chỉ là để thỏa mãn sự dễ dãi trong quan hệ, sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top