Tiến tới phát triển du lịch Điện Biên theo hướng chuyên nghiệp hơn

14:32 - Thứ Hai, 30/10/2017 Lượt xem: 4691 In bài viết
ĐBP - Với lợi thế có một quần thể di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ và sự đa dạng văn hóa các dân tộc, cùng với hệ thống di sản độc đáo, Điện Biên là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch. Tuy nhiên, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Điện Biên cần kêu gọi nhiều dự án lớn trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch… để hướng tới những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp hơn.

 

Điện Biên là điểm đến hấp dẫn khách du lịch với nhiều khu di tích lịch sử. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Khu di tích Đồi A1.

Vấn đề làm thế nào để phát triển du lịch Điện Biên theo hướng chuyên nghiệp hơn cũng được nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và thương mại đặt câu hỏi trong buổi Tọa đàm xúc tiến thương mại và du lịch Điện Biên, do Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Mường Thanh Điện Biên phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức đầu tháng 9/2017. Có nhiều ý kiến đóng góp để trả lời cho câu hỏi trên, song chúng tôi rất ấn tượng với những gì ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Mường Thanh Điện Biên nêu ra tại buổi tọa đàm. Ông Hải cho rằng, Điện Biên nằm ở vị trí quan trọng trong phát triển du lịch của vùng Tây Bắc, được nhiều người biết đến với các di tích lịch sử, phong cảnh đẹp, sắc thái văn hóa các dân tộc đa dạng. Tuy nhiên, các dịch vụ phục vụ du khách còn hạn chế; ý thức, thái độ của những người làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp… Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần thúc đẩy đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương, như: đường sá, các dịch vụ công cộng… Bên cạnh đó, Điện Biên cần chú trọng công tác truyền thông nhằm tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng và đào tạo nghiệp vụ quản lý du lịch, từng bước chuẩn hóa nâng cao chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động và phục vụ khách du lịch; xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và trên 140 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; hệ thống nhà hàng, quán ăn… với khoảng 12.000 lao động tham gia trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động du lịch. Với đội ngũ nhân lực đông đảo tham gia vào hoạt động du lịch, phục vụ du khách nên các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã thực sự chuyên nghiệp? Vì vậy, có thể khẳng định việc hướng tới phát triển du lịch chuyên nghiệp không chỉ cần có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng mà các đơn vị và người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân cũng cần thay đổi nhận thức làm du lịch, làm sao để xây dựng lực lượng lao động làm du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trình độ đào tạo đảm bảo tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Để làm được điều đó, ngành Du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực bậc cao, đội ngũ quản lý, đội ngũ công nhân lao động, như: nhân viên phục vụ trực tiếp tại các khách sạn, nhà hàng, nhân viên hướng dẫn của bảo tàng… và lao động trong các bản văn hóa phục vụ khách du lịch.

 

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thực tế cho thấy rằng, nhận thức về phát triển du lịch của người dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên xu hướng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn. Điện Biên có lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng nhận thức của người dân về làm du lịch, ý thức bảo vệ chỉnh trang đô thị của các ngành chức năng và người dân nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp tạo thiện cảm với du khách vẫn chưa cao. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn còn tư tưởng “chặt chém” chèn ép, chèo kéo khách du lịch, tạo ấn tượng xấu trong mắt du khách đến với Điện Biên. Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thì cũng rất cần nâng cao ý thức của những người tham gia vào hoạt động du lịch. Qua đó, để họ thấy được rằng việc phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ của  ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà rất cần sự chung tay, góp sức của toàn dân để phát triển du lịch của tỉnh nhà ngày càng chuyên nghiệp hơn. Để làm được điều đó, cần phải có một quá trình để làm thay đổi nhận thức của nhân dân; đồng thời tập trung đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ nâng cao chất lượng quản lý, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; người làm dịch vụ du lịch có chất lượng cao. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân tại các bản văn hóa tham gia đón du khách với thái độ thân thiện, nhiệt tình để tạo sự gần gũi với du khách. Để khách du lịch biết đến Điện Biên nhiều hơn, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Điện Biên theo hướng sẽ hỗ trợ và mời các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước đến tỉnh ta để xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, lưu trú phục vụ du lịch…

Sẵn có những lợi thế về di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng; cùng với sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, những người làm dịch vụ du lịch và từng người dân; hy vọng rằng, du lịch Điện Biên sẽ sớm phát triển theo hướng chuyên nghiệp và trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch của vùng Tây Bắc.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top