Ðánh thức tiềm năng du lịch sông nước

09:19 - Thứ Năm, 30/11/2017 Lượt xem: 5001 In bài viết
ĐBP - Từ ngày 12 - 18/11, những người làm du lịch tỉnh Ðiện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu phối hợp tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên sông Ðà từ Thủy điện Lai Châu - Thủy điện Sơn La - Thủy điện Hòa Bình với mục đích xây dựng một tuyến du lịch mới trên vòng cung Tây Bắc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ðối với Ðiện Biên, đây là cơ hội để đánh thức tiềm năng du lịch sông nước trên lòng hồ Thủy điện Sơn La…


Ðội đua thuyền bản Na Nát, phường Na Lay (TX. Mường Lay) tập luyện chuẩn bị cho Lễ hội Ðua thuyền đuôi én. Ảnh: Mai Giáp

Chương trình khảo sát theo lộ trình từ Thủy điện Lai Châu xuôi về hồ Thủy điện Sơn La và kết thúc ở hồ Hòa Bình. Tại mỗi tỉnh, chương trình khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng các điểm du lịch dọc tuyến sông Ðà và đề xuất các điểm để kết nối tuyến du lịch đường thủy với nhiều nội dung quan trọng, như: Ðánh giá thực trạng điểm du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm du lịch đặc trưng, vệ sinh môi trường… Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, cho biết: Qua chuyến khảo sát dọc tuyến sông Ðà cho thấy, các tỉnh Ðiện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sông nước; nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Ðền Vua Lê Thái Tổ (Lai Châu); bản Huổi Lóng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, Ðiện Biên); bản Bon, xã Mường Chiên, cầu Pá Uôn, đền nàng Han (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La); bản Ðá Bia, bản Ngòi, bản Ké, đảo Dừa, Ðền Bà chúa Thác Bờ (Hòa Bình)… Tuy chưa thể so sánh với các tỉnh bạn về mức độ phát triển du lịch sông nước, nhưng đoàn khảo sát cũng đánh giá cao các điểm dừng chân tại Ðiện Biên. Sau khi thăm Nậm Nhùn (Lai Châu) đoàn khảo sát di chuyển bằng đường sông khoảng 20km đến Mường Lay,  thị xã nằm ven lòng hồ Thủy điện Sơn La. Nơi đây nằm trong một thung lũng hẹp, dài; là nơi giao cắt của sông Ðà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Vốn là thủ phủ của người Thái trắng với nhiều nét văn hóa độc đáo, hiện nay một số làng nghề tại TX. Mường Lay cũng đang được khôi phục và đưa vào phục vụ du lịch như: Ðan lát, làm bánh khẩu xén, dệt thổ cẩm... Ðặc biệt, vào Tết dương lịch hàng năm, TX. Mường Lay tổ chức Lễ hội đua thuyền Ðuôi én với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn. TX. Mường Lay còn nổi tiếng với những điệu xòe của đồng bào các dân tộc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2013. Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hiện nay TX. Mường Lay có 3 khách sạn, 2 nhà khách, 1 nhà nghỉ, 8 nhà hàng cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách.

Rời TX. Mường Lay, đoàn khảo sát dừng chân tại một điểm không kém phần hấp dẫn trên chuyến hành trình xuôi dòng Ðà giang: Bản Huổi Lóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa). Ðây là nơi sinh sống của gần 90 hộ dân tộc Dao với những nét văn hóa, bản sắc dân tộc được lưu giữ gần như nguyên vẹn: Trang phục, kiểu tóc, tập tục sinh hoạt… có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Không chỉ vậy, Huổi Lóng còn được ví như một “tiểu Hạ Long” trên núi bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, không khí trong lành… Có thể thấy Huổi Lóng có rất nhiều điểm hấp dẫn để trở thành nơi dừng chân cho khách tham quan hoặc ăn trưa khi đi dọc tuyến sông Ðà. Tuy nhiên, xuất phát sau Hòa Bình khá lâu nên khu vực các bến tàu của tỉnh ta và hai tỉnh Sơn La, Lai Châu chưa được đầu tư đúng mức, phương tiện bến bãi chưa được đồng bộ. Ngay đến TX. Mường Lay hiện nay cũng chưa có thuyền tư nhân nào đủ điều kiện để đăng kiểm thuyền chở khách. Hơn nữa, nhận thức về phát triển du lịch của người dân ở một số nơi còn hạn chế.

 

Người dân bản Bắc 2, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) làm bánh khẩu xén.

Có thể thấy rằng, tiềm năng đã có nhưng để hình thành một tuyến du lịch đường thủy mới kết nối các hồ thủy điện trên sông Ðà với các sản phẩm đặc trưng, các chương trình du lịch hấp dẫn để thu hút du khách thì còn nhiều vấn đề cần bàn thảo. Ngay sau chuyến khảo sát, những thành viên trong đoàn đã ngồi lại với nhau tại Hội nghị định hướng, giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017 được tổ chức tại Hoà Bình. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự rà soát đánh giá kỹ lưỡng các điểm trên khu vực dọc tuyến sông Ðà để xây dựng chương trình liên kết hợp lý tạo ra những nét riêng độc đáo mới có thể thu hút được du khách. Ðồng thời ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn, kiến thức nghề du lịch cho các hộ dân có điều kiện tham gia làm du lịch cộng đồng. Có chính sách thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên hồ sông Ðà… Theo ông Phạm Văn Thăng, để hoạt động du lịch đường thủy 4 tỉnh lưu vực sông Ðà phát triển ổn định và chuyên nghiệp, các cấp, ngành cần có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm dừng nghỉ, liên kết các điểm đến, tạo thành các tour, tuyến du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư có trọng điểm những khu vực nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với tuyến đường thủy liên hồ. Ưu tiên quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu rộng rãi về tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Ðà tới các doanh nghiệp lữ hành và du khách trong và ngoài nước. Có như vậy, tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Ðà của tỉnh nhà cũng như các tỉnh bạn mới được khơi dậy, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top