Xây dựng khối tri thức chuẩn mực cho du lịch Việt Nam

15:52 - Thứ Sáu, 23/02/2018 Lượt xem: 4676 In bài viết
Phần Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam nằm trong Quyển số 35 - Du lịch, thể dục thể thao, ẩm thực, trang phục thuộc dự án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”. Sau một năm thực hiện, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành Du lịch đã nỗ lực xây dựng cấu trúc và bảng mục từ. Để thiết lập khối tri thức cho hoạt động ngành đòi hỏi nội dung trong từng mục từ cần được biên soạn kỹ, chú trọng những điều cần thiết với du lịch Việt Nam.

Chuẩn hóa tri thức về du lịch

Du lịch hiện là ngành kinh tế đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau dầu khí và hóa chất). Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thành viên Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành Du lịch, ngành Du lịch của nước ta còn nhiều điểm yếu, tri thức về du lịch còn chưa được hệ thống, thiếu cập nhật và mức độ phổ cập thấp. Đây là lần đầu tiên nước ta có một đề án xây dựng Bách khoa toàn thư du lịch và việc này có ý nghĩa lớn cho sự phát triển ngành.

 

Tài nguyên, sản phẩm du lịch là phần được quan tâm trong Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Đính, Trưởng ban Biên soạn Bách khoa toàn thư Quyển số 35, cho rằng, trước tiên phải phân biệt bách khoa toàn thư và từ điển bách khoa. Nếu từ điển bách khoa là loại từ điển khái niệm, giải thích các khái niệm thuộc tất cả các lĩnh vực thì bách khoa toàn thư là sách trình bày những tri thức cơ bản của ngành hay toàn bộ các ngành. Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam do đó phải chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch, trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, bảo đảm cho du lịch Việt Nam đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững. Cuốn sách này cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành Du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành và những người liên quan đến du lịch, đồng thời phổ cập tri thức chuyên ngành cho cộng đồng.

Theo kế hoạch, chương trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2021). Trong năm 2017, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư chuyên ngành Du lịch gồm 10 thành viên là các nhà nghiên cứu, giảng dạy, quản lý trong lĩnh vực du lịch đã tập trung xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn bảng mục từ. GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, cấu trúc của cuốn sách phải nêu được lịch sử hình thành ngành Du lịch, các tổ chức du lịch Việt Nam và thế giới, các loại hình du lịch, nhân vật tiêu biểu… Từ đó, Ban Biên soạn tiến hành cung cấp khái niệm, kiến thức chia nhỏ từng nội dung. Ông Vũ Thế Bình cho biết, cấu trúc vĩ mô của Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam sẽ theo định hướng của Luật Du lịch 2017, có thể gói gọn trong 4 chương, 52 chuyên mục nhỏ với 500-600 mục từ.

Do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao nên bảng mục từ phải có một số từ liên quan đến các chuyên ngành Ngoại giao, Thương mại, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp, Thể thao, Y tế, cũng như ẩm thực, trang phục, thủ công mỹ nghệ… Ban Biên soạn đề ra 8 nguyên tắc xây dựng bảng mục từ là chính xác, toàn diện, cập nhật, hiện đại, chuẩn mực, dân tộc, quốc tế và phải là mục từ cần thiết, quan trọng.

Hỗ trợ phát triển du lịch

PGS.TS Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: “Để trở thành công cụ tra cứu hữu ích cho người dân và những người liên quan đến hoạt động du lịch, Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam có lẽ cần “gánh” thêm trách nhiệm hỗ trợ sự phát triển du lịch đất nước trong thời điểm quan trọng này”. Hiện nay, du lịch được xác định phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, cả nước có trên 1,3 triệu lao động trong ngành Du lịch. Năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, đem lại tổng thu từ khách du lịch hơn 510.900 tỷ đồng. Chính vì vậy, mối quan tâm của người lao động, nhà đầu tư, nhà kinh doanh, nhà quản lý và người dân, người đi du lịch tới những vấn đề liên quan đến du lịch Việt Nam và thế giới ngày càng lớn. Những tri thức về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường du lịch… càng phải tăng cường mở rộng, chuẩn hóa, cập nhật và mang tính chuyên sâu hơn. Nhiệm vụ này đặt trên vai những người làm công tác biên soạn Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Thế Bình, ngoài việc xây dựng bảng mục từ có tính hệ thống, toàn diện, khoa học, tránh bỏ sót thì việc cung cấp nội dung mục từ cũng vô cùng quan trọng. Nhiều từ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Du lịch thường gắn với từ quốc tế, nên cần có sự tương đồng với các chuẩn mực quốc tế khi trình bày nội dung mục từ. Tương tự, nhiều mục từ liên ngành đòi hỏi khi biên soạn cần tham khảo các tài liệu chính thức của các quyển Bách khoa toàn thư khác hoặc các chuyên ngành có liên quan. Tinh thần chung khi biên soạn bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam là hội nhập, khai thác tri thức quốc tế để phục vụ cho hoạt động du lịch Việt Nam. Do đó, việc cung cấp tri thức về Việt Nam chiếm dung lượng lớn, đặt trong mối liên hệ với thế giới.

Dưới góc nhìn khoa học, cả về lý thuyết và thực tiễn, du lịch có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Việc hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn về du lịch là hết sức quan trọng. Giải đáp được những thắc mắc của người quan tâm, cung cấp kiến thức, định hướng phát triển du lịch… là công việc đòi hỏi đầu tư công sức và thời gian của Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư du lịch Việt Nam, cũng như sự đóng góp tích cực hơn của những người làm chuyên môn, nhà nghiên cứu tâm huyết trong lĩnh vực này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top