Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà

Tuyển sinh còn nhiều khó khăn

00:00 - Thứ Hai, 06/04/2015 Lượt xem: 1205 In bài viết
ĐBP - Đi vào hoạt động từ giữa năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà là cơ sở đào tạo nghề chính cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), cơ sở đã đào tạo nghề cho 943 học viên.

Đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên cơ sở với hệ thống phòng học, phòng thực hành khang trang, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà Nguyễn Trung Toàn chia sẻ: Ngay từ đầu đơn vị đã xác định phương thức đào tạo từ năng lực sẵn có của cơ sở sang đào tạo theo nhu cầu của người học và thị trường. Chính vì vậy, hàng năm khi cấp trên phân bổ chỉ tiêu đào tạo, Trung tâm đều khẩn trương phối hợp với Phòng Lao động TB&XH huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người lao động để biết người lao động cần và muốn học nghề gì. Riêng trong năm 2014 đơn vị đã mở 9 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với tổng số 296 học viên. Trong đó có tới 2/3 học viên theo học nhóm nghề nông nghiệp (230 học viên), còn lại là học nghề phi nông nghiệp.

Giảng viên Trung tâm Dạy nghề Mường Chà hướng dẫn học viên lớp nấu ăn thực hành.

So với nhiều địa phương trong tỉnh, Mường Chà là huyện có nguồn LĐNT khá dồi dào và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, song đại đa số lại chưa qua đào tạo. Chính vì vậy, với số lượng học viên đăng ký tham gia theo học ở nhóm nghề nông nghiệp sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, tăng hiệu quả sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất đang triển khai tại địa phương. Từ việc xác định được hình thức đào tạo phù hợp với người lao động trên địa bàn, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt. Một số nơi, nhất là các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần đắc lực hình thành mô hình sản xuất mới với những nông dân đã qua đào tạo nghề là lực lượng nòng cốt.

Đánh giá tỷ lệ học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo năm 2014 đạt 93,2%. Số lượng học viên đăng ký học nhiều nhất là lớp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu bò hoặc lợn; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Ngoài ra, số học viên đăng ký theo học nghề cắt may dân dụng, công nghiệp và kỹ thuật xây dựng tại trung tâm cũng tăng cao hơn so với những năm trước. Ngoài đào tạo tại chỗ, Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà liên kết với hệ thống các trường nghề trong nước mở rộng hình thức đào tạo. Như đào tạo lái xe ô tô, sơ cấp nấu ăn tại Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin; mở lớp hàn công nghệ cao cho học viên là bộ đội xuất ngũ tại Trường Trung cấp Nghề số 18 (Bộ Quốc phòng). Trong quý I/2015, cơ sở đã mở lớp chiêu sinh đào tạo khóa tin học văn phòng cho trên 20 học viên. Nhằm hỗ trợ học viên có việc làm sau khi kết thúc chương trình đào tạo, Trung tâm chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo bố trí việc làm cho các em. Học viên theo học tại Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm được bố trí việc làm tại các công ty thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam.

Mặc dù, cơ sở đào tạo được đầu tư khang trang, đồng bộ, đội ngũ giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, song thực tế, số lượng học viên đăng ký theo học hàng năm tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà chưa nhiều. Minh chứng là số học viên tuyển sinh trong năm 2014 chỉ đạt 65,7% so với chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề cho LĐNT cấp trên giao. Tỏ rõ những băn khoăn, ông Nguyễn Trung Toàn cho rằng: Công tác tuyên truyền xuống các địa bàn dân cư được nhà trường chú trọng bằng nhiều hình thức song thực tế hiện nay việc tuyển sinh vẫn còn là vấn đề khá nan giải. Một phần do trình độ nhận thức về chương trình đào tạo nghề của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, phần nữa do chính quyền cơ sở chưa thực sự nhận thức đúng và đầy đủ nên chưa mặn mà, tâm huyết cùng nhà trường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền. Mặt khác, khó khăn trong tuyển sinh còn do tâm lý “coi trọng” việc học đại học của chính phụ huynh và học sinh mà chưa nhận định đúng bản chất của việc học nghề. Một bộ phận người lao động có tâm lý ngại xa gia đình, dù cơ sở đào tạo nằm ngay trung tâm thị trấn huyện. Địa bàn đào tạo nghề phân tán, kinh phí đào tạo không được phân bổ (chỉ là hợp đồng đào tạo), chưa có cơ chế phân luồng rõ ràng, cụ thể nên cũng khó cho đơn vị trong việc chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển sinh hàng năm. Kể cả đối với việc biên soạn giáo trình và giảng dạy, nhất là với nhóm nghề phi nông nghiệp.

Thực hiện Kế hoạch 913 ngày 18/3/2015 của UBND tỉnh, về triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn, hiện nay Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Chà đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến mở các lớp đào tạo nghề trong tháng 4/2015. Đến thời điểm này, trung tâm tổ chức chiêu sinh được 6 lớp với khoảng 200 học viên là con em đồng bào dân tộc trên địa bàn đăng ký tham gia học nghề nông nghiệp. Còn nhóm nghề phi nông nghiệp đã có 18 người đăng ký tham gia. Để đảm bảo công tác tuyển sinh và nâng cao hiệu quả đào tạo, trước mắt Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và tư vấn về học nghề, khảo sát nhu cầu đảm bảo cho việc tổ chức dạy nghề sát với nhu cầu thực tế, giúp học viên có cơ hội tìm được việc làm ổn định. Đồng thời, thực hiện huy động vốn từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức KT – XH trên địa bàn và khu vực lân cận tham gia vào công tác dạy nghề tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Bài, ảnh: Việt Đức
Bình luận
Back To Top