Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

08:47 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 8772 In bài viết
ĐBP - “Kỹ năng sống”, “giáo dục kỹ năng sống” là cụm từ khá phổ biến và được các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội quan tâm, nhất là trong xã hội hiện nay. Bởi chỉ khi được trang bị kỹ năng sống, trẻ em mới có đủ kiến thức để xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống, có ý thức làm chủ bản thân, sống tích cực, hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội.

 

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP. Ðiện Biên Phủ) tham gia tình huống trong buổi truyền thông “Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Giờ học giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại cho hơn 170 học sinh khối 4 của Trường Tiểu học Bế Văn Ðàn (TP. Ðiện Biên Phủ) khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi nội dung giáo dục vốn được xem là “nhạy cảm” này lại mang đến không khí học tập hào hứng, các em tích cực tham gia ý kiến giải quyết tình huống. Cô giáo Trần Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ai cũng mong muốn con trẻ được lớn lên an toàn trong tình yêu thương, hạnh phúc. Thế nhưng, không phải bất kỳ lúc nào hay ở đâu người thân cũng có thể theo sát, bảo vệ an toàn cho trẻ trong khi việc ứng xử của một bộ phận người lớn đối với trẻ em có nhiều biểu hiện lệch chuẩn. Phải kể đến vấn đề nổi cộm hiện nay đó là bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em. Chính vì vậy, giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh được nhà trường lựa chọn đưa vào chương trình học với mong muốn giúp trẻ tham gia nhận biết các vùng nhạy cảm trên cơ thể, biết cách bảo vệ, giữ gìn cũng như trang bị cho trẻ kỹ năng ứng phó, bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại… Từ đó giúp các em khám phá, trải nghiệm và tiếp nhận việc giáo dục giới tính, kỹ năng bảo vệ bản thân, giúp đỡ bạn, chia sẻ với bạn hay người khác để bảo vệ bản thân.

Chị Nguyễn Thị Dung (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) có con gái tham gia giờ học kỹ năng phòng tránh xâm hại rất tán đồng với mục đích, ý nghĩa của giờ học. Bởi theo chị Dung, dù ở gia đình, mẹ và con gái vẫn thường hay nói chuyện, nghe con tâm sự, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Chị cũng kể với con thông tin về những vụ việc xâm hại trẻ em cũng như nói cho con các biện pháp bảo vệ bản thân, phòng tránh trước nguy cơ bị xâm hại nhưng việc giáo dục kỹ năng sống theo chủ đề của nhà trường vô cùng phù hợp, hữu ích giúp các cháu được tiếp cận thông tin, có kiến thức, kỹ năng để xử lý được tình huống. Ðiều này khiến chị và gia đình yên tâm hơn về sự an toàn của con trong cuộc sống trước nhiều vụ việc xâm hại đã xảy ra tại không ít địa phương trong cả nước.

Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại Trường Tiểu học Bế Văn Ðàn còn được lồng ghép vào từng môn học, nhiều nhất là môn Ðạo Ðức, Tiếng Việt hay trong giờ chào cờ đầu tuần… Với việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh gắn với thực tiễn, có tài liệu bổ trợ và sử dụng thiết bị dạy học, tạo cho các em tính chủ động, tích cực, hứng thú trong học tập. Ðược nói, được trình bày trước nhóm bạn, trước tập thể, góp phần giúp các em tích lũy, phát triển và dần hoàn thiện kỹ năng sống.

Tại Trường Tiểu học Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) không chỉ chú trọng dạy kiến thức cho học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, các câu lạc bộ năng khiếu, các buổi tham quan dã ngoại và các buổi giao lưu để các em thỏa sức thể hiện mình và phát triển kỹ năng sống. Năm học 2018 - 2019, nhà trường thành lập 6 câu lạc bộ: Thể dục thể thao, khiêu vũ, văn nghệ, Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em có cơ hội thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo; rèn luyện cho học sinh kỹ năng sinh hoạt tập thể, tinh thần tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho bản thân từ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, trong cuộc sống. Thầy giáo Lại Hữu Toàn phụ trách Câu lạc bộ Thể thao của nhà trường cho biết: Câu lạc bộ thu hút hơn 80 học sinh yêu thích các môn: Ðá cầu, cầu lông, cờ vua, bóng đá... tham gia. Thông qua các hoạt động này không chỉ giúp các em tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực mà còn kết nối những đam mê. Qua các hoạt động tập thể này giúp các em đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau và có thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau trong học tập, cuộc sống.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngay từ bậc mầm non, tiểu học đã được các trường học trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ chú trọng đưa vào nội dung, chương trình học tập với nhiều hình thức đa dạng; thông qua các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu lịch sử, tham quan các điểm di tích thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, người nghèo; nghe cựu chiến binh kể chuyện… Ðiều này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách trẻ, mang đến cho các em một môi trường học tập trong lành, năng động, tích cực. Thông qua các hoạt động ngoại khoá, trẻ em được phát triển khả năng sáng tạo, đồng thời phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo giúp trẻ hòa đồng, tích cực hơn.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top