Lớp học xuyên quốc gia của cô và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

15:15 - Chủ Nhật, 20/11/2022 Lượt xem: 9582 In bài viết

ĐBP - Một lớp học sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ Anh, trao đổi trực tuyến với cá nhân, học sinh nước ngoài. Nhưng không phải giờ học môn Ngoại ngữ, giáo viên đứng lớp cũng không dạy Tiếng Anh. Mà thảo luận về các vấn đề môi trường. Đó là lớp tham gia dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” do cô Nguyễn Thị Thúy Hằng – giáo viên Hóa học, cùng học sinh lớp 10A6, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) kết nối.

Lớp học diễn ra theo hình thức trực tuyến với các thiết bị hỗ trợ.

Đây là năm đầu tiên, Điện Biên có lớp học tham gia chương trình này. Dự án "Hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu" triển khai từ năm 2017, do tổ chức Take Action Global sáng lập và điều phối. Năm 2022, Dự án đã thu hút sự tham gia của 1.000 lớp học đến từ gần 150 quốc gia. Mục đích nhằm kết nối học sinh, sinh viên toàn cầu và tạo cơ hội cho các em thảo luận, sáng tạo, chia sẻ các phát hiện, nêu giải pháp về vấn đề môi trường qua hình thức trực tuyến. Qua đó nuôi dưỡng những công dân toàn cầu có hiểu biết sâu sắc và đa dạng về thế giới họ đang sống, sẵn sàng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Buổi kết nối cuối cùng của dự án, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng các em lớp 10A6 trao đổi, thảo luận với 30 học sinh Trường Công lập Mumbai (Dadar, Mumbai, Ấn Độ) về chủ đề “Các giải pháp giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra ngoài môi trường”. Sau khi lắng nghe ý kiến từ các bạn Ấn Độ, lớp chia thành 4 nhóm, lần lượt chia sẻ những suy nghĩ và đưa ra các nhóm giải pháp có ý nghĩa toàn cầu, hoặc phù hợp với địa bàn. Trong đó đáng chú ý có các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường do chính các em sáng tạo, thực hiện.

Em Nguyễn Ngọc Minh Giang chia sẻ: “Em cùng các bạn trong nhóm đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải không phân hủy ra môi trường. Một trong số đó là tận dụng các vỏ gói mì tôm, nilon đã qua sử dụng để tạo ra những chiếc túi xách đựng đồ. Chúng em cùng nhau trực tiếp làm, có sản phẩm cụ thể để giới thiệu với các bạn quốc tế. Sau khi chia sẻ, nhiều bạn tỏ ra thích thú, kết nối với chúng em để tìm hiểu thêm về sản phẩm hữu ích như vậy”.

Nhóm học sinh giới thiệu túi xách từ túi nilon, vỏ gói mì tôm tái chế - một trong những giải pháp giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Để những buổi học toàn cầu như này diễn ra thành công, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng của cô Hằng, các em lớp 10A6 đã dành nhiều thời gian thảo luận, nghiên cứu về biến đối khí hậu và trau dồi cho mình vốn từ vựng tiếng Anh về chủ đề này. Các em cũng tự tay chuẩn bị các tranh ảnh, sản phẩm minh họa để phần trao đổi thêm sinh động, dễ hiểu. Thông qua đó, các em không chỉ nâng cao hiểu biết, ý thức về các vấn đề môi trường, mà kỹ năng ngoại ngữ cũng tăng lên đáng kể.

Em Đào Yến Chi kể lại: “Lần đầu tiên em tham gia lớp cũng gặp một chút khó khăn. Một phần vì bỡ ngỡ lần đầu trao đổi với các bạn đến từ nhiều quốc gia. Một phần vì Tiếng Anh thảo luận vấn đề này không như học ở trên lớp, mà phải chuyên sâu hơn, liên quan đến khí hậu toàn cầu. Vì thế em phải chủ động tìm hiểu, học thêm một số từ mới, và học cách nói tiếng Anh thường ngày để giao tiếp với các bạn nước ngoài dễ hơn. Từ đó, khả năng giao tiếp tiếng Anh của em đã tốt hơn, tự tin hơn. Em còn có kinh nghiệm để thực hiện những dự án tương tự khác”.

Là người năng động, tích cực suốt buổi học, em Bùi Quỳnh Giang cũng chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia dự án. Em biết thêm nhiều bạn từ các quốc gia khác, được giao lưu văn hóa, thực hành giao tiếp tiếng Anh, bồi dưỡng thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình... Nhất là có thêm nhiều hiểu biết về biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó có thể góp một phần nhỏ bé của mình vào bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ trái đất bằng những giải pháp thiết thực, gần gũi với học sinh và cuộc sống hàng ngày của bản thân em”.

Học sinh lớp 10A6 nêu ý kiến, thảo luận các giải pháp trước màn hình máy tính, camera kết nối với lớp học tại Ấn Độ.

Lớp học bắt đầu từ 26/9, diễn ra trong 6 tuần, đến nay đã kết thúc. Tập thể lớp 10A6 và giáo viên hướng dẫn đã thực hiện thành công dự án với 3 buổi kết nối giao lưu, học tập với học sinh thuộc 5 trường học trên thế giới, gồm: Italia, Ấn độ. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ: Dù lần đầu tiên kết nối, tham gia dự án và gặp một chút hạn chế do lệch múi giờ giữa các nước, nhưng lớp học đã thành công, đạt được những mục tiêu đề ra. Học sinh trau dồi thêm nhiều kiến thức về môi trường, nêu ra các giải pháp hữu hiệu góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời có thêm nhiều kỹ năng, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, giao tiếp tiếng Anh với các bạn nước ngoài tự tin. Đó cũng là mong muốn khi tôi lựa chọn học sinh lớp 10A6 - lớp chuyên Anh tham gia dự án. Dự án năm nay kết thúc, tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến Ban Giám hiệu Nhà trường kết nối học sinh tham gia dự án những năm tiếp sau.

Là giáo viên bộ môn Hóa học, nhưng cô giáo Hằng đã sáng tạo, mạnh dạn kết nối dự án toàn cầu, vừa lồng ghép kiến thức môn học, vừa tạo ra những trải nghiệm đầy thú vị cho học sinh, trao cơ hội để các em thảo luận, chia sẻ và học hỏi từ bạn bè quốc tế. Đồng thời qua đó nâng cao ý thức mỗi học sinh – thế hệ trẻ sống có trách nhiệm hơn với môi trường, tham gia chống biến đổi khí hậu - một trong các vấn đề toàn cầu.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top