Kiện phòng vệ thương mại: Giải pháp nào để ứng phó hiệu quả?

00:00 - Thứ Ba, 19/04/2016 Lượt xem: 2116 In bài viết
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu (XK) của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Thường những vụ kiện sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những mặt hàng có kim ngạch XK lớn như cá tra, basa, tôm, da giày… Giải pháp nào để ứng phó hiệu quả với các vụ kiện PVTM được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới là vấn đề được quan tâm hiện nay.

Ít doanh nghiệp hiểu về phòng vệ thương mại

64% trong số 1.000 DN được hỏi trả lời "có nghe nói, nhưng không biết sâu"; 16% DN trả lời không biết; chỉ 1,8% DN trả lời đã tìm hiểu tương đối kỹ về các biện pháp PVTM… là con số được ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ kiện PVTM của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đưa ra tại buổi tập huấn cho các DN nhỏ và vừa Hà Nội về "Sử dụng hiệu quả biện pháp PVTM trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế" do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức mới đây.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản phẩm của mình.

Theo ông Tô Thái Ninh, trong quá trình hội nhập, xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ càng mạnh khi rào cản thuế quan dần được dỡ bỏ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhất mà các nước sẽ áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước, nhất là các nước ASEAN. Như vậy, hàng hóa từ các nước có FTA với Việt Nam sẽ không còn rào cản khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh sẽ tăng lên khi lượng hàng hóa nhập khẩu gia tăng dưới tác động và hiệu ứng của các FTA. Vì vậy, DN trong nước sẽ phải chống đỡ với nhiều vụ việc PVTM mà các nước áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam.

Đáng lưu ý, không chỉ tập trung tại các thị trường XK chính của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, các vụ kiện PVTM đối với hàng XK của Việt Nam còn đến từ các thị trường của các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, mặt hàng bị kiện nhiều nhất là thép, giày dép, sợi… Ngoài ra, không chỉ các mặt hàng có kim ngạch XK cao bị kiện, mà ngay cả những mặt hàng chỉ có kim ngạch XK thấp cũng bị áp dụng các biện pháp PVTM.

Khi bị vướng vào các vụ kiện PVTM, DN sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại. Ngoài việc giảm năng lực cạnh tranh, kim ngạch, là nguy cơ mất thị trường XK. Bên cạnh đó, chi phí theo đuổi vụ kiện lớn, khi bị kiện thời gian áp thuế 5 năm cùng với thời gian gia hạn thuế sẽ khiến kế hoạch kinh doanh của DN bị ảnh hưởng.

Cần tăng tính liên kết

Theo ông Tô Thái Ninh, khó khăn của DN là khả năng tập hợp lực lượng, huy động nguồn kinh phí tham gia các vụ kiện. Tuy nhiên, PVTM là một công cụ được trao cho các ngành sản xuất nội địa nhằm bảo vệ cả ngành của mình trước những hành vi cạnh tranh đơn lẻ, chứ DN không thể đứng đơn kiện hay sử dụng công cụ này, ngoại trừ trường hợp DN đó là đại diện của ngành.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, có hai điều không nên là DN tự tin đến mức không tìm hiểu pháp luật trong PVTM và tính cộng đồng của các DN không cao dẫn đến tình trạng khi áp lực hàng hóa nhập khẩu tràn vào nhưng vẫn cho rằng không phải việc của mình. DN cần nhận thức rõ, trong vấn đề này sẽ xảy ra tình trạng "chết" cả ngành sản xuất, chứ DN không nên nghĩ "nhà hàng xóm cháy không liên quan đến nhà mình". Vì vậy, các hiệp hội có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường kết nối các DN tham gia và trực tiếp tham gia cùng với DN sử dụng các công cụ PVTM.

Theo khuyến cáo, các DN XK cần nhận thức rõ nguy cơ bị kiện chống bán phá giá trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng lên dẫn đến việc các hàng rào kỹ thuật sẽ được siết chặt hơn và nguy cơ bị kiện phá giá ngày càng tăng. Bản thân DN và các hiệp hội ngành nghề phải có những bước chuẩn bị cần thiết để chủ động hơn trong PVTM và ứng phó với các vụ kiện. Để làm được như vậy, trước hết DN cần hiểu rõ và nắm vững các quy trình, thủ tục điều tra cũng như các thông tin liên quan đến PVTM quốc tế. Để chuẩn bị cho vụ kiện, DN cần tập hợp những bằng chứng bán phá giá, bán hàng được trợ cấp, bằng chứng về những thiệt hại gây ra đối với mình, thuê luật sư tư vấn theo kiện… Đây là những yêu cầu cốt yếu cho mọi nguyên đơn trong các vụ kiện PVTM, dù công việc này đòi hỏi chi phí lớn. Bên cạnh sự đoàn kết, thống nhất giữa các DN với hiệp hội để có chiến lược kháng kiện cụ thể, các DN cần phối hợp với những nhà nhập khẩu có cùng lợi ích. Đặc biệt, để tránh bị vướng vào các vụ kiện, DN cần đa dạng hóa thị trường, tìm thị trường mới, cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu… Về phía các cơ quan nhà nước, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công cụ PVTM; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới việc đáp ứng các yêu cầu của DN gắn với mục tiêu PVTM...

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải: Điều các DN đang thiếu là thái độ hợp tác trước các vụ kiện PVTM. Dù là với tư cách nguyên đơn hay bị đơn thì nhiều DN còn rất kém về thái độ tiếp cận. Hơn nữa, các DN vẫn còn tâm lý ngại kiện tụng, nhất là kiện với DN nước ngoài. Đây là rào cản DN buộc phải vượt qua khi tham gia "sân chơi" chung.


Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top