Liên kết sản xuất lúa giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

09:18 - Thứ Hai, 10/04/2017 Lượt xem: 5568 In bài viết
ĐBP - Đã 6 vụ nay, hơn 100 hộ bản Noong Vai (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) đều tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên. Ông Lường Văn Hịa, Trưởng bản Noong Vai cho biết: Sau vụ đầu tiên liên kết thí điểm 6ha sản xuất lúa mùa năm 2014 thành công, đến nay bà con trong bản đã ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao; tổng diện tích hơn 20ha, gồm giống Séng Cù, Hương Việt 3, Bắc thơm số 7. 

Tham gia liên kết sản xuất, bà con được Công ty cung ứng giống lúa đến cuối vụ mới phải trả tiền và giá thấp hơn giá bán ngoài thị trường., mỗi vụ trừ chi phí thu về hơn 20 triệu đồng. Cũng là hộ thực hiện thí điểm liên kết từ năm 2014 đến nay, ông Siên khẳng định, mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên không chỉ giúp chúng tôi thoát nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

 
Cùng với việc cung ứng giống, những vụ đầu, các hộ được cán bộ kỹ thuật Công ty phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu ngâm ủ, gieo cấy, thời vụ đến sử dụng liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, diện tích sản xuất sử dụng giống lúa của Công ty cung ứng ít bị sâu bệnh, nhờ đó giảm được công, chi phí phun phòng. Tính trung bình, mỗi héc ta sản xuất theo mô hình liên kết đem lại lợi nhuận từ 2 - 2,5 triệu đồng/vụ so với phương thức tự sản xuất, tự tiêu thụ, trong khi bà con lại nhàn hơn trong khâu thu hoạch. Bởi Công ty thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, bà con đỡ công phơi phóng, bảo quản, nhất là trong vụ đông xuân độ ẩm cao, thu hoạch trùng vào mùa mưa. Nhờ liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giá trị kinh tế trên diện tích canh tác lúa tăng lên, giúp cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá. Bản Noong Vai có 190 hộ đến nay chỉ còn 8 hộ nghèo, quá nửa số hộ đời sống kinh tế khá, giàu. Ông Lò Văn Siên là hộ có nhiều diện tích tham gia sản xuất lúa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp nhất bản với hơn 5.000m2

 

Công đoạn đóng bao bì sản phẩm gạo tại Nhà máy chế biến của Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất lúa hàng hóa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp, nhất là không còn lo “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm, không sợ tư thương ép giá nên hơn 50 hộ bản Bánh (xã Thanh Yên) đã làm đơn đề nghị doanh nghiệp mở rộng diện tích liên kết trồng lúa. Vụ đông xuân 2016 - 2017 là vụ đầu tiên bà con thực hiện cách làm ăn mới này với hơn 6ha, toàn bộ sử dụng giống lúa Séng cù. Bà con trong bản đều muốn được tham gia thử nghiệm liên kết trồng lúa vì vừa được doanh nghiệp cung ứng giống đến cuối vụ mới thu tiền, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết thu mua thóc tươi tại ruộng với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Thấy cuộc sống của các hộ bản lân cận đời sống ấm no khi trồng lúa theo mô hình này nên chúng tôi đều muốn tham gia - Ông Lò Văn Hỏa, Trưởng bản Bánh khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình liên kết sản xuất lúa trực tiếp với nông hộ, ông Hoàng Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên cho biết: Liên kết trên nguyên tắc cả hai cùng có lợi (doanh nghiệp - nông dân), chúng tôi cung ứng giống nguyên chủng cho bà con. Lợi ích của sử dụng giống nguyên chủng đó là sản phẩm gạo thơm ngon hơn, trong quá trình sản xuất khi sử dụng các loại giống nguyên chủng khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn, bà con đỡ chi phí, nhân công phun phòng sâu bệnh mà năng suất vượt trội so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống khi sử dụng các giống lai tạp, thoái hóa. Và khi thu hoạch, thay vì sử dụng biện pháp gặt thủ công truyền thống, chúng tôi sử dụng máy gặt đập liên hợp vừa giảm tổn thất trong quá trình thu hoạch và giảm khoảng 40% chi phí thu hoạch. Chúng tôi hợp đồng cam kết thu mua thóc tươi ngay tại ruộng cho bà con với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm ký hợp đồng là 1.000 đồng/kg. Sau vài ba vụ đầu hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật sản xuất, chăm sóc đến nay các hộ đều đã thuần thục, cả doanh nghiệp và nông dân đều nhàn. Mở rộng diện tích lúa sản xuất theo mô hình liên kết này, 2 vụ qua chúng tôi đã triển khai thực hiện tại xã Búng Lao và Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) với tổng diện tích hơn 50ha. Đối với diện tích sản xuất sử dụng giống do Công ty cung ứng và hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc khi thu hoạch năng suất đều cao hơn từ 8 - 12 tạ/ha so với năng suất lúa trung bình toàn huyện (55 - 58 tạ/ha). Tuy nhiên, do trình độ kỹ thuật canh tác của bà con còn hạn chế, diện tích sản xuất lúa của các hộ không nhiều và phần lớn chỉ đủ phục vụ nhu cầu lương thực nên công ty mới chỉ thực hiện cung ứng giống là chủ yếu, sản lượng thu mua chưa được nhiều.

Hiện nay, thị trường hướng đến sản phẩm nông sản sạch, an toàn truy xuất được nguồn gốc rõ ràng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Công ty hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao giúp nông dân tham gia liên kết xóa đói giảm nghèo. Đó là xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa Bắc thơm số 7 và IR64 chất lượng cao tại các xã: Thanh Hưng, Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên và xã Pom Lót (huyện Điện Biên). Người dân sẽ được cung ứng toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Trong vụ mùa năm 2017 sẽ sản xuất 75ha và đến năm 2021 sẽ trực tiếp ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm cho từ 700 - 1.500 nông hộ với tổng diện tích sản xuất mỗi vụ là 180ha, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập của đối tác tham gia, đảm bảo vùng nguyên liệu chế biến tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng và khẳng định được thương hiệu lúa gạo Điện Biên.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top