Mường Toong 8 đã ổn cư

08:49 - Thứ Tư, 19/04/2017 Lượt xem: 5927 In bài viết
ĐBP - Điểm bản Mường Toong 8 (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) là một trong số ít điểm bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư theo mục tiêu Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (Đề án 79). Người dân tái định cư an tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế trên vùng đất mới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Toong cho biết: Mường Toong là xã có 7 điểm bản được sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79. Trong đó bản Mường Toong 8 thực hiện tốt nhất, có sự thay đổi cả về diện mạo nông thôn và nhận thức của người dân. Hiện nay, bà con đã định canh, định cư, yên tâm sản xuất.

 

Anh Vừ A Pó, bản Mường Toong 8 chăm sóc đàn dê.

Cách UBND xã Mường Toong khoảng 5km, bản Mường Toong 8 có 25 hộ, chia thành 2 nhóm trên địa điểm được san gạt khá bằng phẳng. Còn nhớ, thời điểm này 2 năm trước, khi chúng tôi đến bản Mường Toong 8 thì trong số 25 hộ, 20 hộ đã chuyển về nơi ở cũ ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, 5 hộ còn lại cũng đang trong quá trình chuẩn bị chuyển đi do chưa được bố trí đủ đất sản xuất. Cả bản vắng bóng người, chỉ còn lại 25 chiếc nhà dựng tạm để giữ đất. Đến nay, trên mảnh đất này, bản Mường Toong 8 đã đông đúc, nhộn nhịp. Anh Vàng A Khá, Trưởng bản Mường Toong 8 cho biết: Tháng 12/2014, bản được thành lập với 25 hộ dân, 112 nhân khẩu theo Đề án 79. Đến tháng 3/2016, người dân mới chuyển đến đầy đủ và bắt đầu cuộc sống mới. Hai năm qua, bản Mường Toong 8 thay đổi nhiều lắm, đáng mừng hơn cả là người dân dần thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất. Nếu như trước đây, 1 năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa nương và 1 vụ ngô đủ ăn là thôi thì nay ngoài gieo trồng trên diện tích 2ha đất nương được chia, bà con còn tranh thủ những diện tích đất trống để trồng rau, chăn nuôi gia súc; thanh niên thì đi làm thuê để tăng thu nhập của gia đình. Nhiều hộ vừa làm nương vừa kết hợp trồng rau, chăn nuôi dê, gà; có hộ còn đào ao nuôi cá. Quan trọng nhất là bà con cảm thấy mình được tôn trọng và ổn định, không còn cảnh nay đây mai đó, đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Hệ thống hạ tầng cơ sở của bản được đầu tư khá đồng bộ, trẻ em được đi học ở điểm trường tại bản. Anh Sùng A Hờ, người dân bản Mường Toong 8 cho biết: Từ khi chuyển về đây, cuộc sống của gia đình tôi có nhiều thay đổi. Tranh thủ đất nương chưa sản xuất, tôi rào khoảng 2.000m2 để trồng rau vừa phục vụ gia đình vừa để bán còn tôi đi làm thuê cho công ty xây dựng trên địa bàn. Thời gian đầu khá khó khăn vì trước đây không đi làm thuê bao giờ nhưng lâu dần thành quen, đến nay, tôi được trả lương 3,5 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Vừ A Pó, bản Mường Toong 8 lại lựa chọn mô hình nuôi dê thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng bãi đất trống ven suối, anh Pó dựng chuồng trại, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé mua 6 cặp dê sinh sản. Đến nay, đàn dê đã phát triển lên 20 con.

Nói về bài học kinh nghiệm trong sắp xếp, bố trí dân cư tại điểm bản Mường Toong 8, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Toong cho biết: Trong quá trình thực hiện Đề án 79 trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã Mường Toong luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ đầu tư, nhất là trong công tác bố trí đất sản xuất cho người dân. Bản Mường Toong 8 là trường hợp khá đặc biệt, khi vận động được người dân chuyển đến thì đã qua mùa vụ sản xuất trên nương. Do đó, để người dân không bị thiếu đói, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên sâu sát, gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân từ việc nhỏ nhất. Từ đó, kịp thời có giải pháp giúp người dân tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top