Chậm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

08:44 - Thứ Sáu, 11/08/2017 Lượt xem: 7848 In bài viết
ĐBP - Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo ở một tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương như Điện Biên. Tuy nhiên, từ nhiều nguyên nhân khác nhau, việc triển khai, thực hiện giải ngân nguồn vốn các CTMTQG trên địa bàn tỉnh ta thường diễn ra chậm...

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, kế hoạch vốn CTMTQG Chính phủ giao cho tỉnh quản lý đến thời điểm này là 393,542 tỷ  đồng, địa phương đã giao chi tiết 387,392 tỷ đồng, lũy kế khối lượng thực hiện từ đầu năm đến hết tháng 7 là 104,968 tỷ đồng, lũy kế số vốn đã giải ngân là 108,145 triệu đồng, đạt 27,48% kế hoạch vốn giao chi tiết. Kế hoạch vốn năm 2016 kéo dài sang năm 2017 là 32, 852 tỷ đồng, hiện đã thực hiện giải ngân được 21,64 tỷ đồng, đạt 65,87% kế hoạch. Ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm kế hoạch vốn năm 2017 và kế hoạch vốn năm 2016 kéo dài nói chung đạt thấp (36% kế hoạch), nhất là vốn các CTMTQG, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đề ra từ đầu năm.

 

Giải ngân vốn CTMTQG chậm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Trong ảnh: Người dân xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ nhận xi măng từ nguồn xã hội hóa.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc giải ngân chậm là do kế hoạch vốn CTMTQG giao muộn từ Trung ương gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, do các dự án khởi công mới thuộc CTMTQG của tỉnh chưa được bộ, ngành Trung ương thỏa thuận nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Điển hình như Chương trình 30a, hiện tại UBND tỉnh đang trình thẩm định nguồn vốn đối với 24 dự án, hồ sơ thẩm định nguồn vốn đã được UBND tỉnh gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm 2016. Tuy nhiên đến thời điểm này (đầu tháng 8/2017), tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, đối với Chương trình 135 và CTMTQG nông thôn mới, cuối năm 2016 tỉnh đã trình một số bộ, ngành Trung ương thỏa thuận nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho 107 dự án (dự kiến khởi công năm 2017). Hiện tỉnh mới nhận được văn bản thẩm định nguồn vốn cho 7 dự án (giá trị trên 5 tỷ đồng/dự án), còn lại 100 dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nên phần lớn kế hoạch vốn CTMTQG năm 2017 của 2 chương trình chưa bố trí khiến các dự án không thể khởi công.

Trong năm 2017, nguồn vốn bố trí chủ yếu cho các công trình tiếp chi, các dự án khởi công mới chỉ sự dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương cũng đạt tỷ lệ giải ngân thấp, cụ thể: TP. Điện Biên Phủ đạt 24,75%; các huyện: Mường Chà đạt 33,84%; Tủa Chùa đạt 34,2%; Điện Biên 34,89%; Mường Ảng 36,35%; TX. Mường Lay chưa thực hiện giải ngân (vì tháng 7 chưa có báo cáo chi tiết dự án của Kho bạc Nhà nước). Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư một số dự án chưa được tập trung chỉ đạo quyết liệt, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân, điển hình như các công trình: Đường nội thị giai đoạn I tại huyện Mường Ảng; đường ra biên giới Na Phay - Huổi Chanh - Gia Phú A, B (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên); CTMTQG cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo mới thực hiện giải ngân đạt 8,8% kế hoạch. Công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của một số ngành, địa phương chậm đổi mới, chưa sâu sát thực tế, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công chưa quyết liệt; thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm. Việc tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa xây dựng được phương án cụ thể nhằm hỗ trợ sản xuất cho người dân một cách hiệu quả.

Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm, trong phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh đã cùng các sở, ngành họp bàn đưa ra các giải pháp như: Tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân và thanh quyết toán các nguồn vốn; sớm thẩm định nguồn vốn các dự án thuộc các CTMTQG để các dự án khởi công mới năm 2017 đủ điều kiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2017 và chuẩn bị cho các dự án khởi công mới năm 2018. Đồng thời, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các địa phương, cơ quan quản lý dự án, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù - giải phóng mặt bằng; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước về công tác đền bù, giải tỏa, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top