Doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp khó tiếp cận vốn

09:12 - Thứ Tư, 24/07/2019 Lượt xem: 10090 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 245/1.180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục và có hiệu quả.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ðiện Biên chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Phạm Trung

Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã thu hút được 20 doanh nghiệp đầu tư vào 20 dự án nông nghiệp. Trong đó, có 3 dự án không đủ điều kiện xem xét thẩm định; 5 dự án chậm tiến độ so với cam kết với tỉnh, các dự án còn lại đang trong thời gian triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết: Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực, số nhà đầu tư và dự án nông nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện nhiều hơn. Song nhìn chung, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất các nhà đầu tư thường gặp là: Thuê đất và nguồn vốn thực hiện dự án. Ðối với các dự án có sử dụng đất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: Kế hoạch và Ðầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường phối hợp, đề ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có mặt bằng thực hiện dự án. Riêng vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì hiện nay vẫn là một “nút thắt”. Thực tế, các nhà đầu tư vào lĩnh vực này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên để có đủ vốn đầu tư thì phải tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.

Dự án Trang trại nuôi dê và Khu chế biến thức ăn cho dê của Công ty TNHH Công nghệ xanh tại đội C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Quyết định số 994/QÐ-UBND ngày 01/8/2016. Quy mô dự án nuôi 2.500 con dê và khu chế biến thức ăn cho dê công suất 1,875 tấn/ngày, dự án có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Ðến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch vì doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư. Ðể dự án tiếp tục triển khai, Công ty TNHH Công nghệ xanh đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhưng đều bị từ chối. Ông Nguyễn Ðình Tới, Quản lý Dự án Trang trại nuôi dê Công ty TNHH Công nghệ xanh cho biết: Cơ cấu vốn của dự án gồm: Vốn góp, vốn huy động từ các cổ đông 9,9 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng vay ngân hàng thương mại. Dự án đã qua thẩm định của các sở, ngành và được UBND tỉnh phê duyệt, đến nay đã triển khai thực hiện được một số hạng mục như: Xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà điều hành, nhà kho, khu chế biến thức ăn; hệ thống điện, nước và các công trình thoát nước… Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại đều bị từ chối với lý do dự án không có hiệu quả đầu tư.

Ðể giải quyết “nút thắt” huy động vốn ngân hàng thương mại cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp kiến nghị: Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục và thẩm định các dự án, UBND tỉnh nên để ngân hàng thương mại là 1 thành viên trong quy trình từ rà soát, khảo sát đến thẩm định các dự án. Có như vậy, khi doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn so với việc để ngân hàng là đơn vị thẩm định độc lập trước khi có quyết định cho vay vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại lại có quan điểm riêng. Ðơn cử như đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Vốn vay từ ngân hàng là nguồn vốn chính thống, vì thế cũng phải có những điều kiện chính thống đi kèm. Có những điều kiện mang tính chất chuẩn mực của hệ thống ngân hàng được đưa ra dựa trên cơ sở của Luật các Tổ chức tín dụng. Quan hệ tín dụng ngân hàng phải đảm bảo 3 nguyên tắc: Hiệu quả nguồn vốn vay, tài sản đảm bảo và nguồn trả nợ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mới bắt đầu tham gia hoạt động thì hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa được chuẩn, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ khó hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thường không tích lũy được tài sản nhiều, do đó không có tài sản để thế chấp cho các khoản vay. Chung quy lại, doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết thì phía ngân hàng luôn có các gói vay ưu đãi và sẵn sàng giải ngân vốn phục vụ doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm: UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế thông thoáng, ưu đãi để thu hút đầu tư nhưng việc vay vốn giữa doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại, UBND tỉnh không thể chỉ đạo các ngân hàng cho vay vốn cho bất cứ 1 dự án nào. Bởi các ngân hàng thương mại hoạt động trên nguyên tắc và cơ chế đặc thù. UBND tỉnh chỉ có thể đề nghị các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn phối hợp, tạo điều kiện còn việc vay được vốn hay không thì doanh nghiệp và ngân hàng phải làm việc với nhau, đảm bảo theo quy định.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top