Linh hoạt các giải pháp huy động vốn

09:14 - Thứ Tư, 24/07/2019 Lượt xem: 10691 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi, nhất là trong khu vực dân cư.

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Chi nhánh Ðiện Biên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 ngân hàng thương mại và 2 ngân hàng ngoài thương mại. Xác định công tác huy động vốn là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong hoạt động kinh doanh, các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng thương mại đã tập trung huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, phát hành giấy tờ có giá… Cùng với đa dạng hình thức huy động vốn, các tổ chức tín dụng đã triển khai, áp dụng lãi suất hợp lý, ổn định, khuyến khích người dân, tổ chức gửi tiền. Theo đó, lãi suất huy động bằng Việt Nam đồng đối với kỳ hạn từ 1 - dưới 6 tháng của các ngân hàng từ 4,5 - 5,5%/năm; từ 6 tháng - dưới 12 tháng có mức lãi suất thấp nhất là 5,3%/năm và cao nhất là 7,3%/năm; từ 12 tháng trở lên mức lãi suất 6,45 - 8%/năm tùy từng ngân hàng. Ðiều đáng ghi nhận là việc tăng lãi suất huy động không trở thành cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Sự ổn định lãi suất huy động là một trong những yếu tố quan trọng khai thác hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng đến ngày 30/6 là hơn 9.900 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 5,39% so với cuối năm 2018. Trong đó, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại là 9.700 tỷ đồng (tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2018). Riêng vốn huy động trong lĩnh vực tiền gửi tiết kiệm hơn 8.500 tỷ đồng, chiếm 86,40% tổng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng. Tiền gửi thanh toán hơn 1.110 tỷ đồng, chiếm 11,24% tổng nguồn vốn huy động và phát hành giấy tờ có giá đạt 233 tỷ đồng, chiếm 2,35%.

Từ nguồn vốn huy động, các ngân hàng tái đầu tư cho vay đối với các thành phần kinh tế, phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng dư nợ tín dụng thực hiện đến hết tháng 6/2019 là hơn 18.200 tỷ đồng (tăng 6,45% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn hơn 6.890 tỷ đồng, chiếm 37,84% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 11.323 tỷ đồng, chiếm 62,16% tổng dư nợ. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Bên cạnh đó, ưu tiên vốn cho vay các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Ðường Na Sang - Huổi Mý: 108 tỷ đồng; Dự án Ðường 60m với số vốn 110 tỷ đồng; khắc phục sự cố sạt trượt ta luy dương Dự án San nền đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, TX. Mường Lay: 217 tỷ đồng...

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Bằng các biện pháp tích cực, công tác huy động vốn của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đang chuyển dịch đúng hướng, phát triển ổn định và theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ðó là nền tảng quan trọng đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời đáp ứng nhu cầu về vốn tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, để công tác huy động vốn đạt hiệu quả hơn nữa, các tổ chức tín dụng cần có chính sách lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường; linh hoạt trong vận dụng các cơ chế chính sách về lãi và phí, áp dụng có hiệu quả các chính sách lãi suất đảm bảo cạnh tranh đối với tất cả khách hàng và mọi hình thức gửi tiết kiệm. Ðồng thời, đa dạng hình thức huy động vốn như: Gửi tiền tiết kiệm thông thường, tiền gửi online, tiết kiệm trả lãi hàng tháng. Mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh, định hướng chiến lược kinh doanh hợp lý…

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top