Tập trung sản xuất vụ đông xuân

09:06 - Thứ Sáu, 05/02/2021 Lượt xem: 4998 In bài viết

ĐBP - Sau 2 đợt rét đậm, rét hại liên tiếp, hiện nay thời tiết đã nắng ấm trở lại, nông dân các địa phương đang tập trung sản xuất vụ đông xuân. Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm bởi vậy cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và người dân quyết tâm khắc phục những khó khăn, đảm bảo niên vụ sản xuất đạt năng suất, sản lượng cao nhất.

Người dân thôn Sín Sủ 1, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) gieo cấy lúa đông xuân năm 2021. Ảnh: Nhật Phương

Kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân năm 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy 9.593ha. Ðến nay đã hoàn thành gieo cấy 7.363ha, đạt 76,75% kế hoạch giao; bị chậm tiến độ khoảng 814,5ha so với kế hoạch do ảnh hưởng của 2 đợt rét đậm, rét hại liên tiếp. Bên cạnh đó đợt rét đậm, rét hại đã khiến 87,5ha lúa đông xuân mới gieo bị thiệt hại trên 70%, tập trung tại các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, Sở tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành gieo cấy các trà lúa đông xuân theo đúng lịch thời vụ. Sở đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương làm tốt công tác dự báo, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án dự phòng nên khi có hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra, gây thiệt hại cho các trà lúa, người dân đã chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời, đảm bảo kế hoạch sản xuất. Hiện nay, 100% diện tích lúa bị thiệt hại đã được người dân khắc phục, các trà lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh sản xuất lúa đông xuân, các địa phương tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ đông: 188,7ha ngô đồng đã thu hoạch được 74,5ha, năng suất bình quân 53,8 tạ/ha, sản lượng đạt 401,0 tấn; cây sắn đã thu hoạch 7.633,4/8.251ha, năng suất ước đạt 88,9 tạ/ha; cây lạc đông và các cây vụ đông khác đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt.

Ðến ngày 30/1, TP. Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành gieo cấy 570ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, đợt rét đậm rét hại vừa qua đã gây thiệt hại cho 23,5ha lúa. Do đó, hiện nay nông dân TP. Ðiện Biên Phủ đang làm đất và gieo cấy lại những diện tích lúa bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Tân, đội 3, phường Thanh Trường cho biết: Sau 2 đợt rét đậm, rét hại vừa qua, gia đình có khoảng 40% diện tích lúa bị chết rét, phải gieo cấy lại. Thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan đã được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương dự báo và hướng dẫn bà con nông dân từ đầu vụ nên quá trình chuẩn bị sản xuất, tôi đã chuẩn bị dự phòng giống, vật tư nông nghiệp. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị xuống giống lần 2 đối với những chân ruộng lúa bị chết rét.

Tại huyện Tủa Chùa, bà con nông dân cũng đang tập trung cày ải, làm đất và chuẩn bị vật tư cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Toàn huyện đã thực hiện cày ải, làm đất được 343/572ha, đạt 60% kế hoạch giao; diện tích lúa gieo cấy trà sớm đạt 5/572ha. Ðối với cây ngô xuân, diện tích đã cày ải đất là 60/133ha.

Chị Giàng Thị Dông, thôn Sín Sủ 1, xã Xá Nhè cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang dẫn nước vào ruộng để làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân. Vụ này, gia đình chỉ gieo cấy được khoảng 600m2 lúa do thiếu nước sản xuất. Sau khi gieo cấy lúa đông xuân, tôi tiếp tục làm đất trồng ngô xuân tại các diện tích ruộng 1 vụ và gần 2ha nương. Năm nay, tôi tiếp tục dùng giống lúa địa phương. Ngô xuân tôi thử nghiệm các giống ngô lai vì ngô lai có khả năng chịu hạn và kháng bệnh cao, năng suất cao hơn giống ngô địa phương.

Bên cạnh đó, UBND các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung bảo vệ chăm sóc 595,89ha chè; hướng dẫn người dân đốn tỉa tạo tán để thu hái vụ xuân năm 2021. Ðồng thời, vận động người dân thực hiện gieo hạt, giâm cành… trồng dặm để tăng mật độ đối với những diện tích chè trên địa bàn xã.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất vụ đông xuân, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã vận động người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng để xuống giống đúng lịch thời vụ; khuyến cáo người dân sử dụng giống có chất lượng cao, chuyển đổi những diện tích nương kém hiệu quả sang trồng cây khác; nhân rộng mô hình cấy lúa bằng máy cấy tại các xã Mường Báng, Sính Phình. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, vụ đông xuân thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy cây trồng rất dễ mắc một số loại sâu bệnh. Ðơn cử như thời tiết rét đậm rét hại, cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, nhiều diện tích chuyển vàng, lá trắng. Các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu là ốc bươu vàng; ngoài ra còn các bệnh tuyến trùng, nghẹt rễ, rệp xanh… Trên ngô đông xuất hiện sâu keo mùa thu, chuột, đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, khô vằn; trên cây rau xuất hiện sâu khoang, sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy gây hại, bệnh mốc sương, héo xanh. Vì vậy cùng với việc tập trung sản xuất, người dân cần chú trọng kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Nhật Phương
Bình luận
Back To Top