Những nông dân vượt khó làm giàu

08:19 - Thứ Tư, 30/03/2022 Lượt xem: 2141 In bài viết

ĐBP - Vốn là những nông dân nghèo, xuất phát điểm còn khó khăn, song bằng ý chí và nghị lực vươn lên, từ các mô hình phát triển kinh tế, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu ở địa phương cũng như các cấp Hội nông dân.

Mô hình kinh tế của ông Trần Văn Hoài, thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) hàng năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Trong ảnh: Ông Hoài chăm sóc vườn bí xanh.

Cách đây hơn hơn chục năm, như nhiều hộ trong xã, dù xoay xở với đủ các mô hình kinh tế nhưng cuộc sống của gia đình ông Trần Văn Hoài, thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) cũng chẳng khấm khá là bao. Trăn trở mãi, ông Hoài bàn với gia đình quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế. Với suy nghĩ đó, ông Hoài đã quyết định phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Thành công của mô hình đã mang lại thu nhập lớn cho gia đình khi mỗi năm, trừ chi phí các loại, gia đình ông thu lời trên 500 triệu đồng. Ông Hoài cho biết: Gia đình đã đầu tư nuôi cá kết hợp nuôi bò, lợn sinh sản. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích ruộng vườn rộng, gia đình vừa cấy lúa kết hợp trồng ngô, trồng bí. “Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông là mô hình theo chuỗi khép kín. Theo đó, một phần sản phẩm trồng được, như: Ngô, sắn, rau, quả sẽ được lấy làm thức ăn cho gia súc; chất thải gia súc sẽ được sử dụng để bón cho vườn đồi. Làm theo cách này sẽ đỡ rất nhiều chi phí phát sinh trong trồng trọt cũng như chăn nuôi - ông Hoài chia sẻ.

Có kinh nghiệm, có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, hơn nữa từng là cán bộ hội nông dân xã, ông Hoài tích cực tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cho bà con trong xã. Bản thân ông cũng đi đầu trong áp dụng tiến bộ kĩ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư khoan giếng công nghiệp ngoài ruộng lấy nước tưới phục vụ cây trồng trong mùa khô hanh. “Gia đình tôi có khoảng 1ha ruộng lúa nước 1 vụ, nhiều năm trước hiệu quả cây trồng kém vì thiếu nước; tôi đã tìm hiểu thị trường, vay vốn đầu tư khoan giếng. Đến nay, với diện tích lúa 1 vụ, gia đình đã chuyển được sang thâm canh 3 vụ gồm: 1 vụ lúa và 2 vụ màu”.

Ông Đào Văn Nam, tổ dân phố 5, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) cũng là nông dân điển hình phát triển kinh tế. Từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả đã giúp gia đình ông thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Ông Nam cho biết, năm 2014, gia đình ông đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng nhãn ghép cũng như mua những gốc nhãn nhiều năm tuổi về trồng để ghép giống nhãn lồng Hưng Yên. Từ cây già cỗi, qua bàn tay chăm sóc của ông Nam, những cây nhãn này đã xanh tốt, các mắt ghép phát triển đồng đều và ra quả vài năm sau đó.

Không chỉ trồng nhãn, mô hình kinh tế của gia đình ông Nam còn có cả hệ thống chuồng, trại chăn nuôi lợn và ao nuôi cá. Với suy nghĩ đầu tư chăn nuôi tập trung, số lượng lớn mới có hiệu quả và mang lại thu nhập cao, ông Nam đã đầu tư khu chăn nuôi lợn tập trung này. Hiện nay ông duy trì chăn nuôi hàng trăm con lợn nái và lợn thịt; riêng từ chăn nuôi lợn mỗi năm cũng mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra gia đình ông Nam còn có trên 7.000m2 ao thả cá và nuôi ba ba. Chưa dừng lại ở các mô hình kinh tế ông Nam còn đầu tư lò sấy, sản xuất long nhãn xuất khẩu; ngoài vườn nhãn của gia đình, ông còn thu mua hàng chục tấn nhãn trong và ngoài huyện về sản xuất, từ đó tạo việc làm thời vụ cho nhiều người dân địa phương.

Ông Vừ A Mang, nông dân thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) cũng cho thu nhập hàng năm trên 1,2 tỷ đồng. Chia sẻ niềm vui của gia đình, ông Mang cho biết, cơ duyên đến với gia đình khi năm 2016, Hội Nông dân huyện thực hiện Đề án về thành lập chi Hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp và chọn thôn Từ Ngài 1 để xây dựng mô hình. Gia đình đã tham gia nhóm hộ nuôi trâu tập thể với 3 con trâu giống ban đầu và 2 con bò, hơn chục con dê và trên 200 con gia cầm. Nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng nên gia đình ông Mang đã đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm để lấy ngắn nuôi dài. Đọc nhiều, hiểu nhiều, ông Vừa A Mang đã áp dụng vào cuộc sống, do đó, năm thứ 2 gia đình đã có thu nhập 250 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, ông Mang vay vốn mua thêm gần 10 con trâu sinh sản, 15 con bò, kết hợp nuôi trâu, bò vỗ béo; đồng thời nhận khoanh nuôi bảo vệ 1,7ha rừng; thuê máy múc đào ao thả cá. Đến nay, mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường từ 35 - 40 con trâu, bò, thu nhập gần 1 tỷ đồng; xuất bán trên 6 tấn cá thịt, hàng nghìn con gia cầm, thu lời khoảng 200 triệu đồng. Không chỉ có thu nhập ổn định, với mô hình kinh tế của gia đình, ông Mang còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong xã, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động tại địa phương.

Mô hình kinh tế của hộ gia đình ông Hoài, ông Sùng hay ông Nam chỉ là 3 trong số trên 3.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua các mô hình, không chỉ góp phần tạo động lực cho nông dân học hỏi nhau những kinh nghiệm hay, sáng kiến tốt, thi đua cùng phát triển kinh tế mà còn tương trợ, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận

Tin khác

Back To Top