Doanh nghiệp vận tải vẫn gặp nhiều khó khăn

13:19 - Thứ Sáu, 08/04/2022 Lượt xem: 2758 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay giá xăng dầu vẫn ở mức cao, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát, các loại hình vận tải đang được nối lại song thực tế hoạt động kinh doanh vận tải vẫn tiếp tục gặp khó khăn, nhiều xe phải “đắp chiếu” nằm chờ.

Xe khách tuyến liên tỉnh chờ xuất bến.

Khi nắm được thông tin thị trường xăng dầu sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp vận tải kỳ vọng giá xăng dầu giảm mạnh song mức tăng - giảm xăng dầu vừa qua thực sự chưa giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp vận tải. Tại kỳ điều hành vào ngày 1/4 vừa qua, thực tế giá xăng chỉ giảm hơn 1.000 đồng/lít, còn giá dầu lại tăng khoảng 1.500 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm về 27.309 đồng/lít, xăng RON95 còn 28.153 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa tăng 1.519 đồng, lên 23.764 đồng/lít; dầu diesel lên 25.080 đồng/lít, tăng 1.447 đồng. Trong khi đa số xe khách sử dụng nhiên liệu là dầu diesel.

Anh Lê Đình Dũng, chủ nhà xe Lê Dũng cho biết: Hiện nay, nhà xe có 12 đầu xe chạy tuyến liên tỉnh song mới đang hoạt động 7 xe, còn 5 xe vẫn đang nằm ở bãi. Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng cao nên nhà xe vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tuyến Điện Biên - Hà Nội dài khoảng 500km, trước đây chi phí xăng dầu 6 triệu đồng/2 chiều thì nay đã lên 7,5 triệu đồng; tuyến Điện Biên - Hà Tĩnh hơn 700km/lượt, khi chưa tăng giá chi phí xăng dầu khoảng 9 triệu đồng/2 chiều thì nay tăng lên khoảng 12 triệu đồng. Trong khi đó giá vé lại không tăng; còn lượng khách và hàng hóa hiện nay chưa nhiều. Để duy trì “lốt”, mỗi chuyến nhà xe phải bù chi phí xăng dầu từ 1,5 - 3 triệu đồng/đầu xe nên rất khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải. Ngày 9/4, nhà xe Lê Dũng dự kiến sẽ mở mới tuyến Điện Biên - Vĩnh Phúc - Gia Lâm (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hải Dương xuất bến 15 giờ 30 phút tại Bản Phủ (huyện Điện Biên) và Bến Trại (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), song với tình hình trên thì không kỳ vọng sẽ hiệu quả.

Không chỉ có các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, vận tải hàng hóa gặp khó, mà các hãng taxi, xe du lịch cũng lao đao khi giá xăng dầu tăng cao.

Anh Vũ Văn Sỹ, lái xe ta xi Xuân Long tại TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hơn 2 năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh rồi giá xăng liên tục tăng cao, tôi chạy dịch vụ rất vất vả bởi lượng khách ít, nguồn thu nhập giảm trong khi mọi chi phí đều tăng. Ngược lại, hãng cũng không thể tăng giá cước trên đồng hồ tính tiền liên tục theo giá xăng vì mỗi lần điều chỉnh giá cước đồng hồ mất nhiều chi phí.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các loại hình vận tải đang nối lại song thực tế xăng, dầu tăng giá đã tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp vận tải. Theo tính toán, giá xăng dầu chiếm khoảng 35 - 40% chi phí đầu vào của ngành vận tải nên khi giá xăng, dầu biến động tăng cao thì khoản chi phí này bị đội lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước. Trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vận tải đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí, thay đổi hình thức vận tải để không mất khách hàng và bù lỗ. Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang hoạt động cầm chừng, bù lỗ; không ít xe đã phải “đắp chiếu” nằm bãi rất lâu. Bởi vậy, một số doanh nghiệp còn tính đến chuyện bỏ tuyến, bán xe nhưng trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, muốn bán xe cũng không dễ và phải bù khoản lỗ rất lớn. Trước sức ép từ giá xăng dầu cao, các đơn vị vận tải đều mong muốn Nhà nước, cũng như chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top