Học và làm theo Bác

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, giúp nhau làm giàu

06:53 - Thứ Bảy, 09/04/2022 Lượt xem: 3795 In bài viết

ĐBP - Hội Nông dân tỉnh Điện Biên hiện nay có trên 83.000 hội viên. Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng, bằng những hoạt động và việc làm cụ thể, góp phần chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên.

Hội viên nông dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên phát triển mô hình chăn nuôi gia súc.

Các cấp Hội xác định, việc học tập và làm theo Bác, trước hết là đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hàng năm, các cấp hội cơ sở vận động hội viên đăng ký làm theo Bác với những nội dung cụ thể như: Thực hành tiết kiệm, tăng gia sản xuất, kinh doanh giỏi; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, giúp bao tiêu nông sản cho nông dân, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững; phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau trong cuộc sống, chăm lo xây dựng môi trường sống lành mạnh... Từ đó khích lệ, động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai và phát huy hiệu quả vốn sản xuất được đầu tư; tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, góp phần tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là 1 trong 3 phong trào lớn của Hội, đã tạo động lực cho nông dân học hỏi nhau về kinh nghiệm hay, sáng kiến tốt, thi đua cùng phát triển kinh tế. Năm 2021, toàn tỉnh có 3.029 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều hội viên nông dân điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có hội viên Lò Văn Pâng được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”. Từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất. Trong đó các mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 17 xã trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo... Bình quân mỗi năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên nông dân còn tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hội viên nông dân tích cực hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực: Hiến đất, đóng góp tiền, vật tư và ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng phòng học, nhà văn hóa… Kết quả tham gia xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 220.000 ngày công xây dựng và tu sửa các công trình phúc lợi; làm mới, sửa chữa 328,5km đường dân sinh; xây dựng mới, sửa chữa 103,22km kênh mương nội đồng, nạo vét cống rãnh thoát nước; hiến 241.806m2 đất và đóng góp trên 55 tỷ đồng; đóng góp 44.376 công sửa chữa, làm mới 132 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách.

Thi đua học tập và làm theo Bác đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt, học và làm theo Bác bằng các hình thức phù hợp với điều kiện từng địa phương; chú trọng biểu dương các cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó tạo động lực xây dựng, phát triển Hội nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh.

Thu Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top