Động lực giúp người nghèo vươn lên

06:38 - Chủ Nhật, 10/04/2022 Lượt xem: 2113 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mường Nhé không chỉ vươn lên phát triển kinh tế mà còn làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Mào Văn Pồn, bản Mường Toong 2, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) là một trong những tấm gương điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để xóa đói giảm nghèo. Ông Pồn cho biết, các đây gần 15 năm, cuộc sống khó khăn, thêm vào đó là tư liệu sản xuất ít nên thường luẩn quẩn trong “điệp khúc” nghèo khó. Tuy nhiên, bằng ý chí và quyết tâm vươn lên, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 1 cặp trâu giống về nuôi. Vài năm sau, trâu sinh sản và giúp gia đình thu nhập ổn định từ việc bán giống. Thuận lợi trong quá trình chăn nuôi, ông Pồn quyết định dồn tiền, vừa duy trì nuôi trâu sinh sản, vừa kết hợp đầu tư nuôi trâu vỗ béo. Đến nay, hướng phát triển kinh tế của gia đình ông Mào Văn Pồn được đánh giá là thành công ở địa phương. Đặc biệt, từ số tiền thu nhập được từ mô hình chăn nuôi (gần 200 triệu đồng mỗi năm), gia đình ông không những đã trả được số tiền nợ ngân hàng mà giờ đã có của ăn, của để. “Thời điểm mười mấy năm trước, 30 triệu đồng với gia đình tôi thực sự là số tiền rất lớn. Nếu không có số tiền đó, thì tôi cũng không có được cơ ngơi như bây giờ” - ông Pồn bồi hồi nhớ lại. 

Ngoài ông Mào Văn Pồn, những năm qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé đã và đang vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Ông Mai Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé thường xuyên quan tâm lãnh đạo, tổ chức triển khai, phối hợp, hỗ trợ Ngân hàng từ công tác tuyên truyền, củng cố, kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị; bổ sung vốn ủy thác sang Ngân hàng để cho vay, thực hiện các hoạt động ủy thác, bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động của Ngân hàng tại các điểm giao dịch. Các đoàn thể phối hợp tốt, đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã hội; tham gia thực hiện các hoạt động ủy thác và giám sát... từ đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội, cũng như đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở.

Hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vốn cho vay những đơn vị xã có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đặc biệt, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội thật sự hiệu quả, phục vụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm trên địa bàn, đơn vị tích cực phối hợp với các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội, hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng bản, tổ dân cư; đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay dễ dàng nhất. Anh Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé chia sẻ: Huyện có gần 3.500 đoàn viên thanh niên. Đoàn các cấp thường xuyên vận động đoàn viên tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp; khai thác thế mạnh của địa phương, nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh tế gia đình... Cùng với đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác vay vốn cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. Hiện đoàn thanh niên các xã đang quản lý gần 2.000 hộ gia đình đoàn viên thanh niên vay vốn với tổng dư nợ hơn 69 tỷ đồng.

Bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, thời gian qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Nhé cơ bản đã được người dân huyện Mường Nhé đầu tư đúng hướng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành hộ khá giả ở địa bàn dân cư. Ông Mai Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhấn mạnh: Sau Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 được ban hành, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội của cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn có sự chuyển biến rõ rệt. Từ đây, nhiều hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời. Riêng từ năm 2014 đến nay, trong tổng số gần 7.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ đơn vị, đã có trên 1.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện từ 74,02% (năm 2016) xuống còn 59% (năm 2021), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 62,43%.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top