Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Hết kiểm tra lại không đội mũ

00:00 - Thứ Năm, 25/02/2016 Lượt xem: 2323 In bài viết
Ngay sau khi đợt kiểm tra, kiểm soát việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em kết thúc thì các phụ huynh cũng như các học sinh cấp 2, cấp 3 lại theo "thói quen” tham gia giao thông mà không đội MBH.

Các em học sinh không đội MBH ngang nhiên kẹp 3-4 tham gia giao thông.

Học sinh càng lớn càng không chấp hành đội MBH?

Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á, từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, ngay sau khi Ủy ban ATGT Quốc gia phát động chương trình Đội MBH cho trẻ em và đợt cao điểm tuần tra của lực lượng chức năng, tỷ lệ trẻ em đội MBH đã tăng 32% so với cùng kì năm trước (từ 36% vào tháng 3/2014 lên 68% vào tháng 4/2015).

Mặc dù tính trung bình từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, tỷ lệ đội MBH đối với trẻ em tăng 11% (từ 36% lên 47%) nhưng vào thời điểm cuối kỳ tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với thời gian diễn ra đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, có tình trạng trên là do việc kiểm tra, kiểm soát chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, không kiên quyết, “làm 1 tuần, phạt 1 ngày” nên người dân thực hiện không nghiêm túc.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thực tế, càng lên lớp trên thì tỷ lệ học sinh đội MBH khi tham gia giao thông càng thấp.

“Các cháu học tiểu học biết nghe lời thầy cô nên đến 99% học sinh tiểu học thực hiện nghiêm chỉnh đội MBH. Nhưng đến học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì tỷ lệ này giảm đi rất nhiều, đặc biệt là đối tượng thanh niên đi ngoài đường càng không đội MBH. Tôi cũng rất thắc mắc là tại sao mưa nắng thì ngay lập tức các bậc phụ huynh đang đi đường cũng dừng lại mua dù, mua áo mưa che cho con nhưng việc bảo vệ tính mạng cho con bằng cách đội MBH lại không nhắc con? Đây là vấn đề ở ý thức của người lớn”, ông Nguyễn Hiệp Thống nói.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, việc đội MBH và đội MBH cho trẻ em phải là kĩ năng sống của người Việt Nam vì phương tiện chúng ta đang đi vẫn chủ yếu là xe máy.

“Cuối năm 2015, tôi giao anh em đi quan sát nhà xe của các trường học và thấy rằng xe của các cháu rất ít treo MBH”, Thượng tá Đỗ Thanh Bình cho hay.

“Hãy nhắc con đội MBH như nhắc con đánh răng”

Bàn về các giải pháp thực hiện việc đội MBH cho trẻ em, ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, để thực hiện tốt việc đội MBH cho trẻ em thì người lớn phải làm gương và cần phải có sự tham gia đầy đủ của tất cả các đối tượng quanh việc này gồm: Phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo.

“Phải làm sao để việc nhắc con đội MBH đi vào thói quen như nhắc con đánh răng buổi sáng thì chúng ta mới thành công. Đặc biệt, khi lực lượng CSGT xử phạt trẻ em không đội MBH phải có thông báo về cho nhà trường, thông báo về Sở GD&ĐT để hạ hạnh kiểm, có như vậy các em mới thấm nhuần tư tưởng không đội MBH khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Hiệp Thống nói.

Đại diện Vụ Học sinh-sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất của việc trẻ em chưa có thói quen đội MBH là do ta chưa làm việc này quyết liệt và thường xuyên.

“Tôi đề nghị lực lượng CSGT xử phạt ngay trước cổng trường, nơi có đông học sinh và phụ huynh. Tôi tin là chỉ cần phạt 1 lần trước mặt mọi người thì không phụ huynh nào dám không đội mũ cho con lần thứ hai”, đại diện Vụ Học sinh-sinh viên đề xuất.

Về phía lực lượng CSGT, Thượng tá Đỗ Thanh Bình cho biết, thời gian tới, Cục CSGT sẽ tổ chức lại lực lượng kiểm tra kiểm soát giao thông ở các cổng trường, tăng cường nhắc nhở, răn đe và xử phạt.

“Bên cạnh đó, vai trò của thầy cô giáo rất quan trọng, làm sao phải giáo dục để các con đến trường không đội MBH cũng như không mang cặp đến lớp, để các cháu tuyên truyền ngược lại bố mẹ. Nhiều phụ huynh mua xe đạp điện, xe máy điện cho con đi học nhưng không tư duy mua MBH cho các cháu đội”, Thượng tá Đỗ Thanh Bình nói.

Ông Khuất Việt Hùng nhận định: “Chúng ta đã rút được rất nhiều kinh nghiệm quý báu qua một năm triển khai kế hoạch đội MBH cho trẻ em. Tỷ lệ chấp hành đội MBH cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định. Điều này chứng tỏ việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông là hết sức quan trọng. Vì vậy, thời gian tới tôi đề nghị chúng ta sẽ làm đợt nhắc nhở trong vòng 1 tuần nhưng sau đó sẽ phạt liên tục không dừng nữa để tạo cho người dân tư duy đúng về việc khôi đội MBH khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, việc giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho trẻ em là cần thiết nhưng ta nên để chính các em học sinh giám sát lại người lớn lớn về an toàn giao thông để giúp cha mẹ cũng thực hành tốt hơn các quy định pháp luật, các cháu cũng có thói quen được học, được hiểu và tuân theo các quy định pháp luật”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Trong năm 2015, lực lượng CSGT toàn quốc đã tiến hành nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước 1,052 tỷ đồng, tạm giữ 319 xe mô tô, xe máy điện.

Việc triển khai Kế hoạch “Thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em năm 2015” cũng đã góp phần tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông liên quan tới đối tượng là trẻ em. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và giảm 31,25% số người bị thương.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top