Trò lừa đảo “huy động tài chính” của kinh doanh đa cấp biến tướng

16:12 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 5729 In bài viết
Thời gian qua, sau khi các cơ quan chức năng tập trung triệt phá các đường dây kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo, đồng thời siết chặt việc kinh doanh, bán hàng đa cấp, các đối tượng hoạt động đa cấp biến tướng đã chuyển sang nhiều hình thức tinh vi hơn như huy động tài chính, kinh doanh tiền ảo, khóa học làm giàu, hợp tác đầu tư các dự án bất động sản, nông nghiệp, thương mại điện tử... với các mức lãi suất ‘khủng”.

Các chiêu trò của kinh doanh đa cấp biến tướng khiến không ít người dân vì nhẹ dạ, hám lãi suất cao và thiếu hiểu biết vẫn tiếp tục mắc bẫy của những kẻ lừa đảo...

Lãi suất lên tới 130%/năm

Trong tình hình các kênh đầu tư đều gặp khó khăn, lãi suất ngân hàng thấp, bất động sản, chứng khoán bấp bênh... thì mức lãi suất khủng lên tới 130%/năm thông qua việc ủy thác đầu tư tài chính khi tham gia hệ thống hero8.org đã thu hút hàng nghìn nhà đầu tư lao vào. Đó chính là một dạng bẫy kinh doanh đa cấp biến tướng dưới hình thức huy động tài chính mới được Công an Đồng Nai phối hợp C50 Bộ Công an khám phá.

 

Nguyễn Thế Anh (bên trái) tổ chức các đại hội hoa hồng thu hút nhà đầu tư nhằm mục đích lừa đảo.

Mô hình đa cấp lừa đảo này do Nguyễn Thị Minh Phương (39 tuổi, ở KP5 phường Tân Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai) cầm đầu. Theo đó, khoảng đầu năm 2016, Phương cùng Phạm Thanh Toàn (45 tuổi, ở Đồng Nai), Hồ Đình Phú (25 tuổi, ở Đức Trọng, Lâm Đồng) thành lập Công ty cổ phần Phương Thái An do Phương làm Chủ tịch HĐQT, Toàn làm Tổng Giám đốc và Phú làm Giám đốc kinh doanh.

Đến tháng 5-2016, Phương mua lại tên miền hero8.org do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nina thiết kế, sau đó thuê lại chính công ty này chỉnh sửa, nâng cấp trang web hero8.org theo mô hình ủy thác đầu tư tài chính và đưa vào hoạt động từ 1-6-2016. Thực tế Công ty Phương Thái An không có hoạt động kinh doanh sản phẩm gì để sinh lời nhưng để huy động được nhiều người chơi nhằm chiếm đoạt tiền, Phương đăng thông tin trang web hero8.org là thành viên của Công ty cổ phần Phương Thái An.

Hiện Công ty Phương Thái An cần vốn để kinh doanh bất động sản, vàng, gara ôtô trong khu đô thị Phương Thái An nhằm  kêu gọi khách hàng đầu tư vào công ty Phương Thái An thông qua hệ thống website này để được hưởng lãi suất cao.

Hình thức đầu tư như sau: Nhà đầu tư muốn tham gia phải mua 1 mã số (mã ID) là 10.160.000 đồng, trong đó 2.160.000 đồng là phí mã ID (tiền PIN) để được tham gia hệ thống và 8 triệu đồng là để hợp tác chi lợi nhuận. Với một mã đầu tư này, cứ 5 ngày nhà đầu tư được nhận 2,2 triệu đồng trong vòng 90 ngày, tổng tiền nhận được là 39,6 triệu đồng), tương ứng với lãi suất 4,3%/ngày và 130%/tháng. Ngoài khoản tiền trên, nhà đầu tư còn được nhận tiền hoa hồng khi giới thiệu trực tiếp người tham gia vào hệ thống (từ 1-10% trên tổng số tiền người được giới thiệu đầu tư vào hệ thống).

Khi giới thiệu người thứ 2 trở lên, nhà đầu tư được hưởng hoa hồng cân nhánh tương ứng 10% tổng số tiền ở nhánh yếu hơn. Bằng hình thức này, hệ thống hero8.org đã huy động được hàng nghìn khách hàng trên toàn quốc đăng ký trên 21.000 mã ID. Riêng ở địa bàn  Hà Nội, bước đầu cơ quan điều tra xác định có 129 nhà đầu tư đã đóng tiền vào hệ thống hero8.org, trong đó người đầu tư nhiều nhất là 158 mã ID.

Hiện vụ án vẫn đang được Công an Đồng Nai phối hợp công an các địa phương điều tra, làm rõ, ghi lời khai những bị hại đã tham gia đóng tiền vào hệ thống hero8.org. Ước tính ban đầu con số bị hại lên đến 4.000 người với số tiền bị chiếm đoạt là 140 tỷ đồng.

Nhận diện các hình thức đa cấp biến tướng

Theo một cán bộ tham gia điều tra vụ án, ủy thác đầu tư trả lãi suất cao như hệ thống hero8.org nêu trên là một trong những phương thức của các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng tung ra nhằm thu hút nhà đầu tư, đồng thời đối phó với các cơ quan chức năng.

Trước sự vào cuộc siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp và xử lý quyết liệt hoạt động đa cấp biến tướng để lừa đảo, các đối tượng đã chuyển sang các hình thức  tinh vi hơn như kêu gọi góp vốn đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, du lịch - khách sạn, dự án nông nghiệp... với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đang nhận ủy thác điều tra của Cục Cảnh sát kinh tế (C46) - Bộ Công an đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 và Công ty cổ phần đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68.

Quá trình điều tra xác định năm 2014, Nguyễn Thế Anh (38 tuổi, ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đứng ra thành lập và giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ tại 131 Bạch Đằng, phường Phước Trung, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Công ty mở chi nhánh tại Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương... và tiến hành huy động vốn trái phép thông qua hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cam kết trả lãi suất cao.

Do hoạt động trái pháp luật, công ty đã bị cơ quan chức năng xử phạt, khóa tài khoản. Thế nhưng đến tháng 9-2015, Nguyễn Thế Anh lại đứng ra thành lập và làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 tại địa chỉ số 7 ngõ 44 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; đồng thời mở rộng văn phòng, chi nhánh đến nhiều tỉnh, tiếp tục huy động vốn trái phép bằng các gói đầu tư 12,6 triệu đồng, 36,6 triệu đồng và 72,6 triệu đồng để chiếm đoạt.

 

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt Nguyễn Thị Minh Phương, kẻ cầm đầu hệ thống hero8.org.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra, ghi lời khai của Nguyễn Thị Kiều Lan, một trong số đại diện tại Hà Nội đứng ra huy động tiền cho Thế Anh. Theo lời khai của chị Lan, khoảng cuối năm 2015, Lan quen 2 phụ nữ là Nguyễn Thị Nhinh và Hoàng Thị Tín - Phó TGĐ Công ty Phúc Gia Bảo.

2 phụ nữ này cho biết Công ty Phúc Gia Bảo đang đầu tư kinh doanh sản phẩm cà phê nấm linh chi đỏ nhãn hiệu Organo Gold có nguồn gốc từ Mỹ. Hình thức kinh doanh không thông qua con đường truyền thông mà đến thẳng người tiêu dùng thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Phúc Gia Bảo. Khách hàng ký hợp đồng ngoài lãi suất góp vốn còn được tặng sản phẩm cà phê và uống cà phê miễn phí tại quán cà phê của công ty trên phố Phạm Huy Thông (Hà Nội).

Lãi suất góp vốn theo các gói đầu tư như sau: Góp vốn 12,6 triệu đồng trong 5 tháng sẽ được hưởng 3 triệu đồng/tháng đầu tiên, tháng thứ hai là 4 triệu, tháng thứ ba là 5 triệu và trong vòng 5 tháng sẽ thu về 40 triệu đồng cả gốc và lãi. Tương tự như vậy, góp vốn gói 36,6 triệu đồng trong 6 tháng thu về 126 triệu đồng. Gói 72,6 triệu đồng trong 10 tháng thu về 1 tỷ đồng gồm cả gốc và lãi. Ngoài ra, khi giới thiệu được người tham gia sẽ được hưởng hoa hồng theo các gói đầu tư mà người tham gia đóng tiền như sau: 600.000 đồng/gói 12,6 triệu đồng, 2 triệu đồng/gói 36,6 triệu đồng và 4 triệu đồng/gói 72,6 triệu đồng.

Đến giữa tháng 11-2015, chị Lan được Hoàng Thị Tín mời vào Đà Nẵng để dự khai trương văn phòng của Công ty Phúc Gia Bảo, chi phí do công ty này đài thọ toàn bộ. Sau buổi khai trương hoành tráng với rất đông người tham gia, chị Lan được các đối tượng đưa đi ăn chơi tại các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng 3 ngày. Sau chuyến đi trên, chị Lan tin tưởng Công ty Phúc Gia Bảo nên khi trở về Hà Nội, chị đã bỏ ra 837 triệu đồng đầu tư 16 mã hợp đồng gói 36,6 triệu đồng và 72,6 triệu đồng.

Đến đầu tháng 12-2015, các đối tượng tổ chức khai trương quán cà phê giới thiệu sản phẩm của công ty Phúc Gia Bảo tại 34 Phạm Huy Thông, Hà Nội. Tại quán cà phê, Hoàng Thị Tín thông tin Công ty Phúc Gia Bảo chủ trương mở văn phòng đại lý tại Hà Nội. Điều kiện mở văn phòng là phải đóng 200 triệu đồng, nhưng sẽ được công ty trả lương 6 triệu đồng/tháng và chi phí hoạt động sẽ được công ty chi trả.

Do chỉ ở nhà nội trợ, lại sẵn tiền đầu tư nên sau khi được các đối tượng vẽ ra viễn cảnh sẽ cho làm giám đốc văn phòng, chị Lan đồng ý bỏ tiền ra đầu tư, thuê địa chỉ 1503 nhà A2 Ngọc Khánh (số 1 Phạm Huy Thông) làm văn phòng và bỏ ra gần 600 triệu đồng mua sắm thiết bị. Để “mở hàng” cho văn phòng mới này, chị Lan tiếp tục bỏ ra gần 450 triệu đồng đầu tư 8 hợp đồng góp vốn lấy tên người nhà. Sau đó, các đối tượng Tín, Ninh dẫn khách đến văn phòng thu tiền, chuyển cho Lan.

Từ tháng 11-2015 đến tháng 1-2016, các đối tượng đã đưa  khoảng 100 khách đến văn phòng số 1 Phạm Huy Thông ký hợp đồng với tổng tiền khoảng 7 tỷ đồng. Số tiền này được Lan chuyển vào tài khoản của Công ty Phúc Gia Bảo và các cá nhân khác theo chỉ đạo của Nguyễn Thế Anh.

Chị Nguyễn Thị Kiều Lan  chỉ là một trong số rất nhiều đầu mối ở nhiều địa phương trên toàn quốc đã đứng ra thu tiền dưới dạng hợp đồng góp vốn rồi chuyển cho Nguyễn Thế Anh.

Theo cơ quan điều tra, thực tế 2 công ty do Thế Anh làm tổng giám đốc không có hoạt động sản xuất kinh doanh sinh lợi nhuận để có thể trả lãi cho các nhà đầu tư mà chỉ dùng tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước. Cùng với lòng tham lãi suất cao, các nhà đầu tư  được tặng sản phẩm cà phê nấm linh chi đỏ và được uống cà phê miễn phí đã không còn tỉnh táo để nhận ra những món quà đó được lấy ra từ chính số tiền mà họ đã góp vốn vào.

Với những chiêu trò như vậy, tổng số tiền mà Nguyễn Thế Anh đã huy động của các bị hại là khoảng 278 tỷ đồng, trong đó một phần được sử dụng trả lãi cho các bị hại, còn lại Thế Anh và đồng bọn chiếm đoạt.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, hoạt động đa cấp biến tướng trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp. Khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý việc kinh doanh, bán hàng đa cấp thì hoạt động đa cấp biến tướng cũng có sự thay đổi ngày càng tinh vi để đối phó với việc kiểm tra, xử lý. Một số công ty đã ngừng hoạt động tuyên truyền chính thức, thu hút người tham gia mang danh nghĩa công ty mà chuyển hướng sang việc sử dụng chính thành viên trong hệ thống, đầu tư kinh phí để tạo lập các nhóm nhỏ để dễ dụ dỗ tham gia; thay đổi địa chỉ kinh doanh liên tục, không sử dụng các trang web để tránh bị phát hiện.

Dù biến tướng từ kinh doanh sản phẩm dạng thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp,  sức khỏe đến các hoạt động khác như huy động tài chính, kinh doanh tiền ảo, sân chơi cho - nhận, “tín dụng đen”, các dự án “bánh vẽ” với mức lãi suất cao ngất ngưởng... thì đặc điểm chung của kinh doanh đa cấp lừa đảo vẫn là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước.

Do đó, để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo, trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên tự đặt câu hỏi: Công ty làm gì mà trả lãi suất lớn như vậy?

Theo CAND
Bình luận
Back To Top