Nâng cao trách nhiệm trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị lừa bán

10:05 - Thứ Sáu, 24/03/2017 Lượt xem: 6593 In bài viết
ĐBP - Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) trong 10 năm (2006 - 2016), lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 78 vụ, 124 đối tượng về hành vi mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh; đồng thời đã phối hợp với các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội giải cứu được gần 90 nạn nhân trở về địa phương sinh sống.

Trong chuyến công tác xuống cơ sở chúng tôi gặp em Lò Thị T., bản Tin Tốc, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. Năm 2013, sau khi được lực lượng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) giải cứu khỏi kiếp sống cơ cực bên xứ người, T. trở về với gia đình mà ngỡ mình được sinh ra thêm một lần nữa. Những tưởng rằng từ đây sẽ là những tháng ngày yên bình bên mái ấm, nhưng T. và con trai chưa đầy 2 tuổi của mình phải hứng chịu những nỗi đau đớn về tinh thần còn ghê gớm hơn cả những đày đọa. Sự lạnh lùng, vô cảm, cùng những lời nói dèm pha ác ý của hàng xóm, láng giềng đã cách li mẹ con T. ra khỏi cộng đồng. Đã có lúc T. quẫn trí định mang con bỏ đi biệt tích, nhưng vì bố, mẹ già yếu thường xuyên đau ốm nên em nuốt nước mắt, gắng gượng sống. Không chỉ riêng trường hợp của T., mà còn nhiều trường hợp khác là nạn nhân của bọn mua bán người cũng bị chính xã hội, cộng đồng ruồng rẫy, sống xa lánh.

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai lấy lời khai nạn nhân Tòng Thị I. tại xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) được giải cứu năm 2012.

Trao đổi về vấn đề trên, Thượng tá Dương Quốc Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự cho biết: “Các nạn nhân bị lừa bán là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp nên vẫn còn bị bó buộc bởi phong tục làng, bản dẫn đến những suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ. Thậm chí ở nhiều nơi, bà con vẫn quan niệm bị lừa bán là bị nhiễm bệnh cho nên có những suy nghĩ, hành động, kì thị, đối xử với những nạn nhân được giải cứu trở về. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chỉ tiếp nhận khi có yêu cầu chứ chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về dẫn đến việc nạn nhân không hòa nhập được cộng đồng, từ đó dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực”.

Nắm bắt được tình trạng trên, trong những năm qua, Phòng Cảnh sát Hình sự nói riêng và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh nói chung đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ các vụ mua bán người, mua bán trẻ em diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng sự tham gia của quần chúng nhân dân vào công tác phòng, chống mua bán người. Đặc biệt là tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo… Triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tạo điều kiện cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng bền vững. Trong đó, chú trọng các hoạt động hỗ trợ dịch vụ về pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm; đặc biệt là cần huy động tối đa sự tham gia, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức tại địa phương như: già làng, trưởng bản, người có uy tín, dòng họ bình yên… nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ, tiếp nhận, giúp nạn nhân bị lừa bán tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu, phối hợp với chính quyền địa phương nắm, theo dõi số nạn nhân bị mua bán trở về sinh sống tại địa phương nhằm phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân; hạn chế tình trạng bị mua bán trở lại. Các đơn vị chức năng như: Phòng Công tác chính trị, Phòng Xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về phòng, chống mua bán người; nhất là các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với nạn nhân bị mua bán trở về trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hiện và kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt những mô hình hay, cách làm sáng tạo về phòng chống tội phạm mua bán người và việc giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, tránh kỳ thị, xa lánh.

Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Để giúp nạn nhân bị lừa bán trở về hòa nhập với cộng đồng thì không nên coi đó là nhiệm vụ của lực lượng công an. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao kiến thức pháp luật của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa. Muốn làm được điều đó thì các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cần sâu sát, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa tới nhân dân. Có như thế mới giảm thiểu được tình trạng mua bán người, mua bán trẻ em trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: Lê Hoàng (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top