Quyết liệt ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã

15:20 - Thứ Năm, 27/09/2018 Lượt xem: 7148 In bài viết
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), năm 2007 nước ta có 55 cá thể hổ nuôi bất hợp pháp, sau đó các cơ sở này được phép nuôi giữ để bảo tồn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cơ sở nuôi hổ tư nhân đang nhanh chóng phát triển...

Tháng 10 tới, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép sẽ diễn ra tại London (Anh). Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được nhiều chuyển biến trong việc thực hiện cam kết chống buôn bán ĐVHD. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm vẫn phức tạp, cần phải siết chặt công tác kiểm tra, quản lý, đặc biệt là có hình phạt nghiêm khắc để tạo tính răn đe.

 

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), năm 2007 nước ta có 55 cá thể hổ nuôi bất hợp pháp, sau đó các cơ sở này được phép nuôi giữ để bảo tồn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các cơ sở nuôi hổ tư nhân đang nhanh chóng phát triển.

Hầu hết các trang trại nuôi hổ đăng ký là cơ sở nuôi hổ bảo tồn. Không những vậy, họ còn chủ ý cho hổ sinh sản nhằm gia tăng số lượng hổ nuôi nhốt. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bởi nếu không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát tình trạng gây nuôi hổ hiện nay thì sẽ lặp lại những sai lầm như đã xảy ra với tình trạng nuôi nhốt gấu trong nhiều năm qua.

Dư luận hiện nay đang bức xúc về việc 11 cá thể hổ nuôi ở trang trại của “trùm” buôn bán ĐVHD Nguyễn Mậu Chiến ở Cồn Tàu Voi, thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Chiến và vợ bị bắt về hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Hai cá thể hổ đông lạnh là tang vật của vụ án được nuôi nhốt ở trang trại nhà Chiến, sau khi cá hổ chết, Chiến không báo cơ quan chức năng mà mang đi tiêu thụ.

Tuy nhiên, sau khi vụ án xảy ra, tỉnh Thanh Hóa lại giao cho gia đình Chiến tiếp tục bảo tồn số cá thể hổ này. “Làm sao có thể bảo tồn hổ nếu chúng ta để một đối tượng không có giấy phép, vừa bị kết án về buôn bán ĐVHD được tiếp tục nuôi hổ “ngoài vòng pháp luật” chỉ vì không có căn cứ tịch thu?” - bà Hà đặt câu hỏi.

ENV đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm, trong đó khẳng định những cá thể hổ này không thuộc quyền sở hữu của ông Chiến mà thuộc quyền sở hữu Nhà nước và UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có quyền ra quyết định thu hồi lại những tài sản này. Đồng thời ông Chiến có trách nhiệm chuyển giao các cá thể hổ trong trại nuôi của mình cho cơ quan Nhà nước mà không có quyền yêu cầu bất kì một khoản bồi hoàn hay chi phí phát sinh nào khác.

Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có quyết định thu hồi 11 cá thể hổ nuôi nhốt này. Dư luận đặt câu hỏi, Thanh Hóa không thể hay không muốn tịch thu số hổ trên?

Trong những năm qua, Việt Nam đã rất tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm chống nạn mua bán, vận chuyển, khai thác, nuôi nhốt ĐVHD nhằm truyền thông điệp đến với thế giới, Việt Nam không khoan nhượng với nạn buôn bán ĐVHD. Bằng chứng là đã điều tra, khám phá một số vụ án buôn bán ĐVHD trái phép, đưa ra xét xử trước pháp luật. Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2017, đa số các đối tượng phạm tội chỉ bị kết án treo hoặc hình phạt không giam giữ. Hình phạt này không đủ tính răn đe, khiến các đối tượng phạm tội tiếp tục tái phạm vì buôn bán ĐVHD có lợi nhuận cao.

Theo BLHS năm 2015, các mức hình phạt đối với các vi phạm liên quan đến ĐVHD đã được tăng lên đáng kể so với trước đây.

Theo đánh giá của ENV thì trong 2 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác bảo vệ ĐVHD. Đặc biệt là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Công an một số địa phương đã điều tra, khám phá nhiều vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác từ nước ngoài về Việt Nam, thu giữ hàng chục tấn ngà voi.

Ngoài ra, còn bắt giữ hàng chục vụ buôn bán các loài ĐVHD quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách đỏ như tê tê, rắn hổ mang chúa, rùa biển, rái cá, vích, khỉ đuôi lợn… Đây là những kết quả của cơ quan chức năng thể hiện cam kết của Việt Nam về việc ngăn chặn buôn bán ngà voi cũng như ĐVHD quý hiếm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm đối với lĩnh vực này.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top