Ngăn chặn nguy cơ từ súng tự chế

09:19 - Thứ Hai, 08/06/2020 Lượt xem: 9817 In bài viết

ĐBP - Thói quen dùng súng tự chế để săn bắn của không ít người dân vùng cao đã tồn tại từ lâu. Ðây là nguy cơ tiềm ẩn của những hậu quả khó lường.

Người dân huyện Mường Nhé giao nộp súng tự chế cho lực lượng chức năng. Ảnh: C.T.V

Hiểm họa chết người

Nhiều năm gắn bó với công tác vận động, thu hồi vũ khí vật liệu nổ (VKVLN), Trung tá Phạm Thanh Dân, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH), (Công an tỉnh) cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta, có 2 loại súng tự chế thường được sử dụng là súng kíp và súng hơi cồn. Súng tự chế có đủ các kích cỡ khác nhau, các bộ phận của súng được ráp nối với nhau khá rời rạc. Ðối với súng kíp, đạn súng thường là 20 - 30 viên bi nhỏ được nhồi trong mỗi vỏ đạn. Khi đạn bắn ra khỏi nòng nếu khoảng cách từ nòng súng đến mục tiêu càng xa thì đường kính lưới đạn túa ra khỏi nòng càng lớn, tầm sát thương rộng hơn. Tuy nhiên, vì là tự chế nên sai số lớn. Ðiều này cho thấy người bắn không thể kiểm soát hướng bay của tất cả các viên bi trong vỏ đạn, nhưng khi khai hoả thì tầm sát thương đủ để hạ con thú lớn hoặc gây chết người.

Ngày 27/5, Tráng A Vảng, ở bản Pú Ðao, xã Si Pa Phìn cùng con trai là Tráng A Sinh dùng súng tự chế vào rừng săn bắn. Quá trình săn bắn, ông Vảng đã bắn nhầm vào con trai mình khiến người con tử vong vì đạn bi bằng chì găm vào người. Tháng 12/2018, Lò Văn Hặc ở bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông, huyện Tuần Giáo trong lúc đi săn đã bắn nhầm anh Sùng A Tủa, ở cùng xã. Phát bắn đã khiến anh Tủa gục tại chỗ và tử vong ngay sau đó.

Thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ việc đau lòng do sử dụng súng tự chế làm 6 người chết và 2 người bị thương. Mặc dù đã có những quy định nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí từ năm 2011, nhưng do nhận thức của một số người dân về quản lý, sử dụng súng tự chế còn hạn chế, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa nên công tác phát hiện, vận động giao nộp còn khó khăn. Người dân thường cất giấu trong nhà hoặc trên lán trong rừng để tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát; có gia đình sở hữu từ 2 khẩu trở lên nhưng chỉ giao nộp 1 khẩu... Cùng với đó là tỉnh biên giới, có đường giáp biên với các nước Lào, Trung Quốc, việc thẩm lậu các mặt hàng nguy hiểm này qua biên giới vẫn còn xảy ra. Ðiều này cũng lý giải những địa bàn có nhiều trường hợp sở hữu, sử dụng súng tự chế thường là các địa bàn giáp biên như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên.

Tăng cường thu hồi, xử lý

Trước những nguy cơ từ súng tự chế, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp vận động, thu hồi số vũ khí tự chế. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH: 5 năm qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng vận động thu hồi trên 4.780 khẩu súng, vũ khí vật liệu nổ (VKVLN) các loại. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, đã vận động thu hồi được 216 khẩu súng bắn hơi cồn, 169 khẩu súng kíp, 13 nòng súng kíp...

Căn nguyên số lượng súng tự chế, súng kíp thời gian qua thu hồi nhiều như vậy, Thượng tá Ðinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát QLHCVTTXH cho biết: “Việc tranh thủ vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở các xã, bản vùng cao, giáp biên trong công tác vận động bà con không tàng trữ mà giao nộp vũ khí, vật liệu nổ cho chính quyền địa phương là một trong những giải pháp hữu hiệu. Nhờ đó người dân hiểu rõ tác hại của việc tàng trữ, sử dụng các loại VKVLN, công cụ hỗ trợ.”

Ðể phát huy hiệu quả các đợt vận động, thu hồi, bên cạnh việc phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường khám phá các đường dây buôn bán, vận chuyển súng tự chế, hàng năm Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH phân công tổ công tác tăng cường cơ sở phối hợp với địa phương tới từng hộ dân tuyên truyền pháp luật về quản lý, sử dụng VKVLN và công cụ hỗ trợ bằng tiếng dân tộc với những nội dung cụ thể, tác động vào tâm lý người dân. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát QLHCVTTXH đã phối hợp tổ chức 183 lượt tuyên truyền cho trên 1.600 lượt người; vận động hơn 6.000 người ký cam kết không tàng trữ, sử dụng trái phép các loại súng, VKVLN; đồng thời vận động cá biệt đối với 69 người là trưởng bản, trưởng dòng học, người có uy tín tích cực tham gia công tác vận động, thu hồi VKVLN.

Thời gian tới, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền về hậu quả của việc tàng trữ, sử dụng VKVLN tới người dân, góp phần hạn chế, tiến tới chấm dứt những vụ việc đau lòng do súng tự chế gây ra.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top