Phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em

10:34 - Chủ Nhật, 13/12/2020 Lượt xem: 7371 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là tỉnh biên giới, điều kiện kinh tế xã hội, giao thông đi lại khó khăn; trình độ nhận thức của người dân không đồng đều; đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa biên giới. Một số hội viên phụ nữ còn vi phạm pháp luật, di cư tự do, theo đạo trái pháp luật. Xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm thay đội nhận thức của hội viên, người dân, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình gắn với thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Ðẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhờ đó, phụ nữ trên địa bàn tỉnh có điều kiện thể hiện năng lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Chị Sùng Thị Chư (thứ 4 từ trái sang), Chủ tịch Hội LHPN xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền vận động hội viên, người dân bản Nà Bủng 1, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội.

Các cấp Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tốt các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức: Truyền thông, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh các xã... Hưởng ứng chủ đề năm 2020 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” các cấp Hội đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, có tính lan tỏa và bền vững. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại huyện Nậm Pồ cho trên 200 người tham gia; tổ chức 11 buổi truyền thông về kiến thức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo từng chuyên đề cho từng nhóm phụ nữ đặc thù. Toàn tỉnh tổ chức 150 buổi tập huấn với trên 7.500 hội viên phụ nữ tham gia; trong đó nội dung liên quan đến giáo dục, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em như: Nâng cao kiến thức, kỹ năng vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ; kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội về ma túy; nâng cao kiến thức kỹ năng về một số vấn đề đi làm ăn xa, xuất cảnh trái phép, di cư tự do, đối ngoại, nông thôn mới, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nà Bủng là một trong những xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Pồ. Từ năm 2015 trở về trước là một trong những xã có tỷ lệ phụ nữ phạm tội ma túy, theo đạo trái pháp luật, tảo hôn cao. Những năm gần đây nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của hội viên phụ nữ, người dân được nâng lên rõ rệt. Chị Sùng Thị Chư, Chủ tịch Hội LHPN xã Nà Bủng cho biết: Hội hiện có 446 hội viên, sinh hoạt tại 13 chi hội. Những năm qua, Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giáo dục pháp luật; phòng, chống di cư tự do, xuất cảnh trái phép; kỹ năng phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, các vấn đề liên quan đến ma túy, mại dâm; phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em; vệ sinh môi trường... tới 13/13 chi hội trên địa bàn xã. Qua tuyên truyền nhận thức, tư tưởng của chị em hội viên đã được nâng lên. Tình trạng bạo lực gia đình, phụ nữ phạm tội ma túy, di dịch cư tự do, tảo hôn đã giảm đáng kể. Từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang. Ðời sống hội viên dần được cải thiện, chú trọng việc vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; nhiều gia đình hội viên đã có vườn rau sạch, nuôi từ 10 con gia cầm và 5 con gia súc trở lên. Tiêu biểu như chi hội bản Nà Bủng 1, 2...

Bà Hà Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tích cực tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ tham gia giữ chức vụ lãnh đạo các cấp... Ðồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội gắn với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng cho phụ nữ.

Thời gian tới để xóa bỏ tình trạng bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, cần có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng, xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông về giới, bình đẳng giới. Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top