Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

16:25 - Chủ Nhật, 20/06/2021 Lượt xem: 4749 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, HĐND, UBND tỉnh luôn chú trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015, Luật Sửa đổi, bổ sung và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sau đây gọi  tắt là Nghị định 34), ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp luật ban hành văn bản QPPL. Qua đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp.

Cán bộ, công chức Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp) rà soát văn bản QPPL (tháng 4/2021).

Theo đánh giá của UBND tỉnh: Công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây xây dựng và ban hành văn bản QPPL còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc thực hiện quy trình thủ tục ban hành văn bản QPPL theo quy định của luật có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, đặc biệt là đối với cấp xã; việc tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của văn bản QPPL có lúc chưa thực sự rộng rãi, đúng đối tượng, một số cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản QPPL...

Để nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định 34 trên địa bàn. Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Luật và Nghị định 34 tới toàn thể cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế trên địa bàn. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 13/2018QĐ-UBND ngày 26/3/2018 về Quy chế Xây dựng, ban hành văn bản QPPL của UBND tỉnh Điện Biên. Trong đó, quy định rõ tránh nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh trong quá trình tham mưu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành văn bản QPPL... Nhờ đó, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu; năng lực soạn thảo văn bản của cán bộ công chức được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Các văn bản được ban hành theo đúng thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ nghiêm trình tự thủ tục và các yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật. Hệ thống văn bản QPPL của tỉnh đã dần đáp ứng các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh. Về mặt nội dung, điểm nổi bật trong công tác xây dựng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh thời gian gần đây là không chỉ chú trọng đến việc ban hành các văn bản phục vụ phát triển kinh tế mà còn tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường... Điều này đã thể hiện tư duy mới trong xây dựng văn bản QPPL; thể hiện tính cân đối, đồng bộ giữa thể chế về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo khuôn khổ pháp lý cho những bước phát triển ở những giai đoạn sau. Kết quả đạt được trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đã có tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong công tác dân vận chính quyền; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản QPPL là chú trọng công tác thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản. HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm định, góp ý dự thảo văn bản QPPL không chỉ đáp ứng yêu cầu về khía cạnh pháp lý mà còn đáp ứng tính phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; phong tục, tập quán địa phương. Vì vậy văn bản QPPL được ban hành có tính khả thi cao, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, còn lược bỏ những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên. Nổi bật là Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và trình UBND tỉnh quyết định công bố các danh mục và tập hệ thống hóa kỳ 2014-2018 tỉnh Điện Biên, gồm 330 văn bản còn hiệu lực, 165 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 22 văn bản hết hiệu lực 1 phần, 39 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Ông Phạm Đình Quế, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL. Trong đó phải tuân thủ nghiêm những quy định về trình tự, thủ tục xây dựng văn bản QPPL; chú trọng lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị hữu quan. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đóng góp, xây dựng nội dung văn bản, góp phần tạo sự thống nhất cao.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top