Y tếPhòng, chống Covid-19

Phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc

13:35 - Thứ Bảy, 10/07/2021 Lượt xem: 5027 In bài viết

ĐBP - Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động trực tuyến triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì lễ phát động. Tại điểm cầu Điện Biên đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Các đại biểu dự lễ phát động tại điểm cầu Điện Biên.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm vắc xin. Thời gian diễn ra Chiến dịch từ tháng 7/2021 - 4/2022 tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong năm 2021; hết quý I/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Chiến dịch tiêm chủng này được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc, bao gồm cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.

Phát biểu phát động chiến dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay đã có khoảng 105 triệu liều vắc xin từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Riêng trong tháng 7/2021 sẽ có hơn 9 triệu liều vắc xin về tới Việt Nam. Chiến dịch có sự phối hợp của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và nhiều bộ, ngành với mục tiêu tiêm nhiều nhất, nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo hiệu quả an toàn, công bằng và công khai. Chiến dịch có điểm mới là thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vắc xin được đảm bảo chất lượng vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm quân khu tới thẳng các điểm tiêm; thiết lập hệ thống giám sát chất lượng, quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm; ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc sử dụng sổ sức khỏe điện tử để quản lý việc tiêm chủng của người dân và cấp hộ chiếu vắc xin trong tương lai. Chương trình được triển khai với phương châm tiêm đến đâu, an toàn đến đó, không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào, không lãng phí một đồng nào từ quỹ vắc xin.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa đất nước trở lại bình thường. Vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin, tập trung vào các nội dung chính: Nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất và phát triển vắc xin trong nước. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng và Nhà nước đã thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp: Tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua nhập khẩu và nghiên cứu sản xuất vắc xin. Đến nay, quỹ vắc xin thu được trên 8.000 tỷ đồng ủng hộ của đồng bào và nhân dân, các doanh nghiệp, bạn bè quốc tế… Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh mục tiêu chiến lược là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được miễn nhiễm cộng đồng trên toàn quốc. Để làm được điều đó phải đảm bảo được nguồn vắc xin từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất ở trong nước. Trong chiến dịch lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phải tổ chức điều phối tiêm thật tốt, trong đó, Bộ Y tế phải là cơ quan nòng cốt phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, nhanh chóng, hiệu quả. Trong thời gian tới, lượng vắc xin sẽ về nhiều nên phải bảo quản, vận chuyển tốt để đảm bảo triển khai tiêm an toàn…

Tin, ảnh: An Chi
Bình luận
Back To Top