Y tếPhòng, chống HIV

Đảm bảo an toàn cho cán bộ phòng, chống HIV/AIDS

00:00 - Thứ Sáu, 21/08/2015 Lượt xem: 737 In bài viết
ĐBP - Nhìn lại vụ việc 18 y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trước nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS sau nỗ lực cứu sống một bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp mà không kịp sử dụng các dụng cụ dự phòng an toàn đầu tháng 7 vừa qua thấy rằng, sự việc này như lời cảnh báo để các cơ sở y tế thực hiện nghiêm và thắt chặt hơn quy trình bảo hộ đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế trong quá trình điều trị, cấp cứu cho người bệnh.

Tính đến cuối năm 2014, Điện Biên có khoảng trên 4.000 người nhiễm HIV còn sống được quản lý, đó là chưa kể những trường hợp chưa được phát hiện và đưa vào diện quản lý kịp thời hoặc số ít người chưa biết mình mắc bệnh. Với tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống trên dân số là 0,76%, điều đó đồng nghĩa với nguy cơ phơi nhiễm HIV cho các cán bộ y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: So với các ngành nghề khác, cán bộ ngành y thường phải đối diện với rủi ro nghề nghiệp, nguy cơ phơi nhiễm khi làm xét nghiệm HIV, cấp cứu bệnh nhân, phẫu thuật hoặc thủ thuật về ngoại khoa và sản khoa. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ trong hệ thống y tế các tuyến, ngành Y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ, quán triệt việc thực hiện nghiêm, đúng và đủ các quy trình an toàn. Từ trang phục bảo hộ (quần áo, găng tay) đến đảm bảo vô trùng, khử khuẩn dụng cụ trang thiết bị y tế (bơm kim tiêm, dây truyền sử dụng 1 lần hoặc hấp sấy, tiệt trùng vật tư y tế). Ngoài ra, hàng năm Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đều phối hợp tổ chức tập huấn quy trình an toàn cho cán bộ y tế. Trong đó, chú trọng đặc biệt tới công tác điều trị dự phòng và hướng dẫn quy trình xử lý phơi nhiễm. Đối với bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cao, cán bộ y tế sẽ tư vấn làm xét nghiệm trước khi làm thủ thuật. Còn trong trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp (nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng) như trường hợp 18 y, bác sỹ trong kíp trực ngày 4/7 ở Bệnh viên Phụ sản Hà Nội vừa rồi các cơ sở y tế cần tư vấn, tổ chức cho sàng lọc HIV ngay sau đó và điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV), sau từ 3 – 6 tháng sẽ xét nghiệm lại.

Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.

Thống kê của Bộ Y tế về tình hình người bị tai nạn rủi ro, có nguy cơ phơi nhiễm HIV khi đang thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh thành trong cả nước cho thấy đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao chủ yếu thuộc nhóm ngành: y tế, công an, quân đội... Còn tại Điện Biên, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh cũng ghi nhận 20 trường hợp cán bộ y tế bị phơi nhiễm trong khi thực hiện nhiệm vụ. Năm 2012, một cán bộ của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh trong quá trình lấy mẫu máu cho bệnh nhân bị bơm kim tiêm chọc vào tay và đã được điều trị dự phòng lây nhiễm kịp thời. Lực lượng công an cũng nằm trong nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao do thường xuyên đối mặt với các đối tượng phạm tội, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV. Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp xét nghiệm và điều trị dự phòng cho 12 cán bộ trong lực lượng công an có nguy cơ phơi nhiễm khi săn bắt tội phạm. Ngoại lệ còn có trường hợp nhân viên thú y khi tiêm phòng tại cơ sở đã dẫm phải bơm kim tiêm của đối tượng nghiện vừa mới sử dụng. 100% trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm trên đều được điều trị kịp thời, sau khi xét nghiệm lại không có người nào bị nhiễm HIV. Theo bác sỹ Hoàng Văn Chiến thì nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể của người nhiễm HIV. Nhưng dù có tiếp xúc trực tiếp thì khả năng lây nhiễm vẫn ở ngưỡng thấp vì còn căn cứ vào tính chất, mức độ, vị trí phơi nhiễm hoặc bệnh nhân có được điều trị thuốc kháng virus hay không. Như sự việc xảy ra đối với 18 y, bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dù không kịp sử dụng biện pháp bảo đảm an toàn song nguy cơ lây nhiễm cũng không cao do bệnh nhân đã được điều trị thuốc ARV tại địa phương nên nồng độ virus trong máu ít hơn rất nhiều. Các trường hợp sau khi xét nghiệm lại đều âm tính với virus HIV.

Tùy từng lĩnh vực mà mỗi công việc, ngành nghề, môi trường lao động đều có nguyên tắc bảo đảm an toàn cho người lao động. Nhất là với những người công tác trong ngành y. Cán bộ y tế không chỉ đối diện với nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, như: HIV, viêm gan C, viêm gan B, mà một số bệnh như cúm, sởi, thủy đậu cũng có khả năng lây qua đường hô hấp. Hay qua đường tiếp xúc, như bệnh than, ebola, sars… Phơi nhiễm với HIV do tai nạn nghề nghiệp được xác định khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong quá trình tác nghiệp. Việc xử lý các trường hợp phơi nhiễm HIV kể cả phơi nhiễm rủi ro nghề nghiệp đều được hướng dẫn cụ thể trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 265/2003/QĐ-TTg về chế độ với người bị phơi nhiễm và nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp. Trường hợp bị phơi nhiễm sẽ được tư vấn xét nghiệm và cấp thuốc dự phòng miễn phí và trong trường hợp cần thiết được nghỉ 20 ngày để điều trị mà vẫn hưởng nguyên lương. Bộ Y tế cũng quy định rất rõ các quy định dự phòng phổ cập các bệnh lây nhiễm và yêu cầu các cơ sở y tế, nhân viên y tế đều phải tuân thủ nghiêm quy trình này. Kể cả quy chế phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Gần đây nhất là Quyết định 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 của Bộ trưởng y tế hướng dẫn cụ thể việc quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cũng như các quy định dự phòng sau phơi nhiễm nghề nghiệp. Theo bác sỹ Hoàng Văn Chiến: Cùng với việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của ngành, thuận lợi lớn đối với Điện Biên là hiện nay 8/10 huyện, thị đã có phòng khám điều trị ngoại trú HIV/AIDS luôn đảm bảo nguồn thuốc ARV. Các cơ sở luôn đảm bảo nguồn thuốc ARV trong trường hợp có người bị phơi nhiễm.

Dù việc các y, bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm không gây ngạc nhiên cho nhiều người. Nhất là với những người công tác trong ngành y vì hàng ngày họ phải đối mặt với nguy cơ thiếu đảm bảo an toàn cao. Song điều đáng nói là số lượng người phơi nhiễm khá lớn. Biết rằng với các y, bác sỹ trong tình huống tối khẩn cấp, nếu không có biện pháp cấp cứu kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh thì “cứu người như cứu hỏa”, coi trọng và ưu tiên việc cứu sống bệnh nhân là hàng đầu, nhưng vấn đề phòng tránh lây nhiễm phải là hành động, ý thức thường trực của mỗi cán bộ y tế. Một vấn đề nữa là chính là việc phối hợp và trách nhiệm của người bệnh với các y, bác sỹ. Bản thân bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng nên nói với cán bộ y tế về tình trạng của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra; hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm không đáng có.

Việt Đức
Bình luận
Back To Top