Y tếPhòng, chống HIV

Hành trình kéo người nghiện “quay bờ”

00:00 - Thứ Năm, 10/09/2015 Lượt xem: 768 In bài viết
Để cắt cơn, giải độc cho một người nghiện heroin vốn đã không đơn giản, với người nghiện ma túy tổng hợp (ma túy đá - PV), quá trình này còn gian nan hơn vì người nghiện ma túy đá luôn bị ảo giác, không làm chủ được hành vi. Trải qua một ngày ở cơ sở xã hội Nhị Xuân (TPHCM), chúng tôi mới thấy được hành trình kéo người nghiện ma túy đá “quay bờ” khó đến dường nào…

Liệu pháp tâm lý

Ông Trần Hữu Thám, Phó Giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân (Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM) cho biết, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có phác đồ điều trị đối với người nghiện ma túy đá. Để cắt cơn, giải độc thành công cho người nghiện dạng này, chủ yếu phải nhờ vào kinh nghiệm của các bác sĩ, cán bộ giáo dưỡng làm việc lâu năm trong lĩnh vực hỗ trợ cai nghiện. Một trong những giải pháp đang được cơ sở xã hội Nhị Xuân áp dụng là liệu pháp tâm lý - tức phải ổn định tinh thần cho người nghiện. Việc này thật không đơn giản vì người nghiện ma túy đá thường rất hung hãn, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người khác.

Ngồi trước Đỗ Minh Tr. (31 tuổi, ngụ quận 10), một con nghiện ma túy đá có khuôn mặt đăm đăm, da xanh xao, tay chân luôn vung vẩy mỗi khi nói chuyện, bác sĩ Trịnh Văn Phong vẫn bình thản, chậm rãi hỏi từng câu một về gia đình, cuộc sống sinh hoạt trước đây. Hỏi nhiều câu nhưng không được Tr. trả lời, bác sĩ Phong lại chuyển sang phân tích tác hại của ma túy đá: “Nó sẽ hủy hoại sức khỏe em rất nhanh nếu em không bỏ được”. Nghe vậy, Tr. trợn mắt: “Ai bảo hủy hoại, không chơi mới mệt lả thế này, chơi vào khỏe ù à. Cán bộ cho em đi ngủ đi”.

Phòng tập thể hình tại cơ sở Nhị Xuân.

Thấy chưa thuyết phục được, bác sĩ Phong đưa Tr. về phòng ngủ. Lát sau, bác sĩ Phong và cán bộ lại đưa Tr. sang một phòng khác - nơi có nhiều người nghiện đang xem phim về số phận của những người nghiện. Sau 10 phút xem xong đoạn phim, thấy cái kết của những con nghiện phải chết thảm sau nhiều năm hút chích ma túy, Tr. quay sang nói với bác sĩ Phong “Em muốn cai” và đồng ý uống thuốc giải độc. Bác sĩ Phong cho biết, bên cạnh việc cho người nghiện uống thuốc giải độc, các bác sĩ cũng như cán bộ giáo dưỡng phải kiên trì gần gũi, hỏi chuyện, tạo tâm lý ổn định cho người bệnh. Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp cắt cơn, giải độc đến tuần thứ 2 bỗng đổi ý, không chấp nhận cai, thậm chí tấn công người hỏi chuyện.

Hiệu quả sân chơi, giải trí

Nếu thuốc cai nghiện, liệu pháp tâm lý được xem là giải pháp cắt cơn, giải độc cần thiết trước mắt, thì việc tạo sân chơi lành mạnh cho người nghiện ma túy đá nói riêng và ma túy nói chung là một giải pháp lâu dài, góp phần quan trọng để người nghiện cai nghiện thành công. Ở cơ sở Nhị Xuân, một ngày của học viên luôn bắt đầu bằng các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí. Khác với suy nghĩ ban đầu - người nghiện sẽ ngủ li bì, lười hoạt động, ít di chuyển, đến cơ sở Nhị Xuân, chúng tôi thấy những hình ảnh hoàn toàn ngược lại. Tại các sân bóng đá, cầu lông, phòng đọc sách, bóng chuyền, bi da, phòng tập thể hình… luôn có rất đông người nghiện đủ các lứa tuổi khác nhau tham gia giải trí, vui chơi.

Nguyễn Huỳnh Mai T. (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, đang cai nghiện ma túy ở Đội tự nguyện) chia sẻ, chị vốn ít nói, khi nghiện ma túy lại càng khó tiếp xúc với người chung quanh, ngay cả những người nghiện sống chung. Tuy nhiên, khi được cán bộ hướng dẫn, yêu cầu tham gia các trò chơi ở đây, chị T. dần tự tin, bỏ được những suy nghĩ lệch lạc luôn thường trực trong đầu.

Nhờ các giải pháp liệu pháp tâm lý, tạo sân chơi cho người nghiện, từ tháng 12-2014 đến nay, cơ sở đã cắt cơn, giải độc cho hơn 2.200 người nghiện, trong đó số người nghiện trong diện cai nghiện bắt buộc hơn 1.400 người.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top