Y tếPhòng, chống HIV

Cần chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS

00:00 - Thứ Hai, 07/03/2016 Lượt xem: 1813 In bài viết
ĐBP - Thống kê của cơ quan chức năng, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 1 vạn dân cao nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, tình hình nhiễm HIV/AIDS đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Nhưng nhiều người nhận thức chưa đầy đủ về bệnh dịch; vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Được cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho địa chỉ và phải cam kết giữ kín danh tính người nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi tìm đến nhà bà N.T. H. ở TP. Điện Biên Phủ có cháu là G.Q.L hiện đang học tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn. Trong cuộc trò chuyện kể về cháu mình, đã nhiều lần tôi thoáng gặp đôi mắt đượm buồn bà H. khi bà kể về sự kỳ thị của xã hội đối với gia đình. Bà N.T.H. tâm sự: Gia đình cháu L. có bố mẹ bị nhiễm HIV, sau khi sinh cháu, hai người đã chia tay và để con lại cho bà ngoại chăm sóc. Lớn lên, cũng như bao đứa trẻ khác, L. được bà cho đi mẫu giáo. Vì lo cho mọi người, bà H. kể chuyện cháu L. nhiễm HIV cho cô giáo nghe. Khi biết chuyện, cô giáo đã không cho L. đến trường. Bức xúc, nhưng bà đành chấp nhận. Thật buồn là trong suốt những năm tiểu học đến THSC, G.Q.L vẫn bị phân biệt, đối xử. “Không ai mong muốn mắc phải căn bệnh này, chúng tôi cũng thế nhưng nhiều người trong xã hội lại không tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi vượt qua mặc cảm cuộc sống” - bà H. dãi bày.

Một buổi tập huấn quy trình khám cho người nhiễm HIV/AIDS do Sở Y tế tổ chức.

Cũng như cháu G.Q.L., chị N.T.N hiện công tác ở TX. Mường Lay cũng bị kỳ thị. Chị luôn bị những người xung quanh, thậm chí cả bạn bè, đồng nghiệp xa lánh. Kể câu chuyện trong nước mắt, thế nhưng chính bản thân chị N. đã vượt qua được rào cản và hòa nhập với cộng đồng. Thời điểm này, chị đang cố gắng tập trung làm việc để nuôi mẹ ở quê và một người con. Chị mong muốn các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, tìm ra những giải pháp để tình trạng phân biệt, kỳ thị với người nhiễm “H” sẽ không còn nữa. Với gần 10 năm sống chung với “H”, chị N. muốn nhắn gửi đến những người cùng cảnh một thông điệp: Có H không có nghĩa là hết. Tuân thủ điều trị ARV, sống tích cực thì chúng ta vẫn sống vui, sống khỏe và sống có ích như bao người khác.

Ngoài tâm sự của chị N., bà ngoại cháu G.Q.L, còn nhiều câu chuyện đáng buồn về thực trạng phân biệt, xa lánh của cộng đồng với người nhiễm HIV.

Ông Hoàng Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp đỡ người có “H” vượt qua mặc cảm bản thân, như: Tuyên truyền nâng cao hiểu biết về bệnh dịch HIV/AIDS; tổ chức hội thảo để người có “H” nhận thức đúng về căn bệnh mình mắc phải; hội thảo về chăm sóc sức khỏe cũng như các dịch vụ cho người nhiễm HIV/AIDS… Mặc dù có nhiều cố gắng trong phòng, chống căn bệnh thế kỷ, song nỗ lực của ngành Y tế là chưa đủ bởi phòng, chống HIV/AIDS cần có sự phối hợp của các cấp ủy đảng, các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng. Sự chia sẻ, đồng cảm với những người có “H” sẽ là động lực để họ vươn lên, chiến thắng bệnh tật và sống có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top